Tại các tỉnh miền Bắc, mùa đông nhiệt độ xuống thấp, có nơi nhiệt độ xuống dưới 10 độ, đã khiến nhiều người phải nhập viện vì các bệnh lý tim mạch.Theo BS Ngô Tuấn Anh, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim Mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108, Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch do lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.

Ngoài ra, thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng.

Theo BS Tuấn Anh,  bệnh tim mạch rất đa dạng, và biểu hiện với nhiều hình thái khác nhau vì vậy việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.

Trong đó hay gặp là người bệnh thấy thường xuyên mệt mỏi, khó thở, mức độ tăng dần. Ở trẻ nhỏ mắc bệnh tim mạch thường chậm phát triển thể chất, trẻ thường bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng, hay bị viêm phổi tái diễn. Tuy nhiên khi có một trong các dấu hiệu dưới đây thì cần nghĩ mình mắc bệnh tim mạch.

Khó thở do nguyên nhân tim mạch

Trong hầu hết các bệnh tim mạch, bệnh nhân thường thấy khó thở. Mức độ khó thở có thể từ nhẹ đến nặng, khó thở từ mạn tính hay khó thở cấp tính.
Khó thở mạn tính: Suy tim giai đoạn đầu thường chỉ khó thở khi gắng sức như làm việc nặng, khi lên cầu thang. Nếu không được điều trị, mức độ khó thở sẽ tăng dần, khó thở thường xuyên, cả khi nghỉ, hoặc khó thở về đêm, người bệnh thường phải ngồi để thở.
Khó thở cơn cấp tính: Là tình trạng cấp cứu do phù phổi hoặc hen tim (hen tim không phải là một loại hen thông thường mà nó là loại khò khè và ho gây ra bởi suy tim. Khò khè có thể trở thành một cấp cứu y khoa tùy thuộc vào các triệu chứng đi kèm) hay gặp trong các trường hợp nhồi máu cơ tim, đứt dây chằng van tim, bóc tách động mạch chủ…

troi-lanh-gia-tang-benh-nhan-tim-mach-bac-si-chi-cach-phat-hien-can-benh-nguy-hiem-nay-1

Đau ngực trái

Đau ngực có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên đau ngực trái, nhất là đau cấp tính, dữ dội hoặc đau có liên quan đến gắng sức thì có thể do các bệnh lý tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp, phình bóc tách động mạch chủ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim…Trong bệnh nhồi máu cơ tim, đau ngực trái thường xuất hiện đột ngột, liên quan gắng sức (gắng sức đau hơn, nghỉ ngơi đỡ đau), đau sau xúc động… Đau ngực có thể từ ngực trái, lan ra sau lưng, lan lên vai trái, cánh tay trái, kèm theo vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn…

Đau đầu và tai biến mạch não

Những người bệnh có tiền sử bệnh tim mạch hay tăng huyết áp có thể xuất hiện dấu hiệu nặng đầu vùng gáy, đau nửa đầu do co thắt mạch máu não.. Hẹp động mạch cảnh thường đau đầu phối hợp với rối loạn tiền đình (chóng mặt, buồn nôn). Các bệnh lý van tim, rung nhĩ cũng có thể gây nhồi máu não. Đau đầu tăng dần và thường không giảm khi dùng các thuốc giảm đau thông thường. Đau đầu đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của tai biến mạch não như xuất huyết não do tăng huyết áp, hay nhồi máu não do huyết khối gây tắc mạch (như trong trường hợp hẹp động mạch cảnh, rung nhĩ…)
Hồi hộp, trống ngực, ngất
Hồi hộp, đánh trống ngực mới xuất hiện có thể do các bệnh lý về nhịp tim. Các cơn nhịp nhanh, rung nhĩ làm cho rối loạn nhịp tim, người bệnh sẽ cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực. Ngoài ra cần loại trừ nguyên nhân nội khoa khác như cường giáp (bệnh ba-zơ-đô).
Choáng ngất: người bệnh bị mất tri giác thoáng qua. Ở người già có thể do nhịp tim quá chậm (suy nút xoang, tắc nghẽn nhĩ thất), hẹp khít van động mạch chủ, tụt huyết áp hay nhồi máu cơ tim cấp. 
Với các dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được đưa sớm đến cơ sở y tế chuyên khoa để có chẩn đoán xác định. Siêu âm tim để loại trừ các bệnh lý van tim hoặc suy tim.

Khánh Mai

Các bài viết khác

Bình luận

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên