Khám, tư vấn và điều trị chuyên khoa sâu bệnh lý tim mạch: * Bệnh động mạch ngoại biên * Bệnh tim bẩm sinh * Bệnh viêm cơ tim * ... Hiểu rõ về chúng, chúng ta có thể có biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị kịp thời. | BSCK II Nguyễn Thị Tuyết Minh Chuyên Khoa Nội tim mạch Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh đã có 50 năm kinh nghiệm trong ngành và nguyên là Chủ nhiệm Khoa Tim mạch – Bệnh viện Việt Pháp. Đã từng làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, Chủ nhiệm khoa C1 – Viện tim mạch quốc gia Việt Nam, Phó chủ nhiệm khoa Nội, Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Thái Bình và tham gia giảng dạy tại Đại học Y Thái Bình. Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh đã được đào tạo bài bản tại nhiều quốc gia trên Thế giới, như tại Vương quốc Hà Lan (Từ tháng 2/1980 đến tháng 7/1988), Hoa Kỳ (từ tháng 5/1992 đến tháng 12/1996) và tại Pháp (2006). |
THÔNG TIN CHUYÊN MÔN:
Vấn đề về các bệnh lý tim mạch thường gặp
Theo WHO, bệnh tim mạch đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người trên toàn thế giới và chiếm nhiều nhất ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, người chết do bệnh tim và đột quỵ nhiều hơn cả ung thư, lao, sốt rét và HIV cộng lại.
Bạn có biết tại Việt Nam, cứ 3 người trưởng thành có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, Mỗi năm, các bệnh lý về tim mạch cướp đi khoảng 200.000 người, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong tại Việt Nam.
a.Bệnh mạch vành
Trái tim của chúng ta hoạt động giống như một cái bơm để bơm máu, đưa máu tới khắp các mô cơ quan trong cơ thể. Để đảm bảo được chức năng bơm máu một cách đều đặn khoảng 70-80 lần/phút, từ ngày này sang ngày khác này, bản thân trái tim cũng phải được nuôi dưỡng bởi một hệ thống mạch máu riêng. Hệ thống mạch máu này được gọi là hệ mạch vành.
Bệnh mạch vành thường liên quan đến tình trạng tắc nghẽn trong lòng mạch vành (nguyên nhân do mảng xơ vữa gây hẹp tắc hoặc do cục máu đông gây lấp mạch) hoặc co thắt mạch vành. Bệnh mạch vành có thể chỉ biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực, có thể nặng nề và nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim.
Triệu chứng của bệnh tim mạch vành có nhiều mức độ, từ không có triệu chứng gì cho đến cơn đau thắt ngực dữ dội:
* Không triệu chứng : có thể người mắc bệnh mạch vành hoàn toàn không có triệu chứng gì cả, chỉ tình cờ phát hiện khi đo điện tâm đồ (ECG).
* Cơn đau thắt ngực : Cơn đau thắt ngực điển hình kiểu mạch vành được mô tả với các đặc điểm như sau: Tính chất đau ngực: cảm giác đau thắt, bóp nghẹt, xiết chặt, cũng có thể là cảm giác bỏng rát, kim châm. Vị trí: đau sâu phía sau xương ức, chính giữa tim, hoặc ngực trái. Đôi khi đau ở vùng thượng vi dễ làm lầm tưởng là đau dạ dày. Hướng lan: Đau ngực có thể không lan, có thể lan xuyên lồng ngực ra phía sau giữa 2 xương bả vai, hoặc lan từ ngực lên hàm, lan lên vai, dọc theo mặt trong cánh tay trái tới ngón út. Độ dài cơn đau: Có thể chỉ thoáng qua vài giây, có thể vài phút, hoặc kéo dài vài chục phút. Hoàn cảnh khởi phát cơn đau: cơn đau xuất hiện sau gắng sức thể lực (ví dụ như đi bộ đường dài, leo cầu thang, khiêng đồ nặng, ăn no, chơi thể thao, giao hợp … ). Hoặc xúc động nhưng giảm khi nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc Nitroglycerin dưới lưỡi. Tuy nhiên trên thực tế không phải lúc nào cũng có đủ những triệu chứng điển hình như vậy mà rất thay đổi. Chính vì vậy mà sẽ có các dạng biểu hiện khác nhau: Cơn đau thắt ngực im lặng, Cơn đau thắt ngực điển hình, Cơn đau thắt ngực không điển hình, và nặng nhất là nhồi máu cơ tim.
b.Tai biến mạch máu não
Não là một trong những cơ quan nhận máu nhiều của hệ tuần hoàn và các tế bào thần kinh là những tế bào nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy nhất. Chỉ cần thiếu oxy 5 phút là các tế bào não sẽ chết và không có khả năng hồi phục.
Các thể bệnh tai biến mạch máu não hay gặp nhất còn gọi là đột quỵ bào gồm: co thắt mạch máu não, thiếu máu não thoáng qua, nhồi máu não, vỡ mạch máu não… Và nặng nhất là xuất huyết ồ ạt gây ngập não thất làm cho bệnh nhân tử vong trong vòng 1 - 2 giờ đồng hồ.
Các dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là bệnh nhân bị đau đầu dữ dội, chóng mặt, tay chân yếu hoặc liệt và đi vào hôn mê. Khả năng phục hồi của bệnh nhân phụ thuộc nhiều vào thể tai biến. Ở những thể nặng, bệnh nhân hôn mê sâu tỉ lệ tử vong lên đến trên 50%.
Việc đề phòng quan trọng nhất là phải phát hiện sớm bệnh cao huyết áp và tình trạng xơ vữa động mạch, để điều trị tốt. Cần phải thận trọng với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như tuổi trên 50, béo phì, hút thuốc lá, đái tháo đường…
c.Bệnh động mạch ngoại biên
Bệnh động mạch ngoại biên là sự hẹp của động mạch ngoại biên, phổ biến nhất ở các động mạch chậu và cẳng chân.
Bệnh động mạch ngoại biên thì tương tự đối với BỆNH ĐỘNG MẠCH VÀNH và BỆNH ĐỘNG MẠCH CẢNH. Tất cả ba tình trạng này được gây ra bởi các động mạch bị hẹp và tắc nghẽn ở những vùng quan trọng khác nhau của cơ thể. VD: xơ vữa ở động mạch vành làm giới hạn máu cung cấp cho cơ tim, xơ vữa động mạch cảnh giới hạn máu cung cấp cho não
Triệu chứng thường gặp nhất của Bệnh động mạch ngoại biên là ĐAU CƠ do vọp bẻ ở vùng hông, đùi, bắp chân khi đang đi, leo cầu thang và tập thể dục. Triệu chứng đau này sẽ biến mất khi bạn nghỉ, ngừng tập thể dục (đôi khi cần vài phút để triệu chứng đau giảm và biết mất).
Tại sao có điều này? Bởi vì khi cơ hoạt động cần được cung cấp máu nhiều hơn so với lúc nghỉ, nếu có sự hẹp của mạch máu do mảng xơ vữa, thì cơ của bạn sẽ không đủ máu nuôi so với nhu cầu trong suốt thời gian vận động. Triệu chứng đau như vậy còn gọi là ĐAU CÁCH HỒI (đau lúc vận động và giảm khi nghỉ).
d.Bệnh tim bẩm sinh
Cho đến hiện nay, bệnh tim bẩm sinh là bệnh hay gặp nhất ở Việt Nam. Các chuyên gia tim mạch ước tính rằng: có khoảng 1 - 2% các em bé sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh từ nhẹ nhất như là còn ống động mạch, đến nặng nhất là hoán vị đại động mạch… Ước tính rằng có khoảng trên 50 tổn thương tim bẩm sinh. Hiện tại luôn có khoảng hơn 100 ngàn trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh đang chờ mổ và cho dù có hàng chục trung tâm mổ tim mở ra đời cũng không bao giờ giải quyết hết được.
Bệnh thường biểu hiện bằng tình trạng khó thở, hay bị viêm phổi, tím tái và đứa trẻ thường bị suy dinh dưỡng nặng. Ngày xưa khi mà phương tiện chẩn đoán còn thô sơ chỉ với cái ống nghe thì việc xác định bệnh tim bẩm sinh đôi khi hơi khó. Ngày nay với sự ra đời và phát triển của siêu âm màu về tim mạch thì việc phát hiện bệnh tim bẩm sinh và thể loại tim bẩm sinh đơn giản hơn nhiều.
Việc phòng ngừa chủ yếu là người mẹ và người cha. Cha và mẹ phải có sức khoẻ tốt, không lớn tuổi mới sinh con, trong quá trình mang thai, nhất là 3 tháng đầu người mẹ không được tiếp xúc với hóa chất độc hại, X-quang, nhiễm siêu vi đặc biệt là bệnh rubeon.
e.Bệnh viêm cơ tim
Viêm cơ tim là tình trạng viêm, hoại tử hoặc ly giải của tế bào cơ tim gây nên do nhiễm trùng, do bệnh mô liên kết, do nhiễm độc hoặc không rõ nguyên nhân. Các quá trình bệnh lý này ảnh hưởng đến cơ tim kèm hoặc không kèm theo triệu chứng toàn thân. Những biểu hiện thường gặp nhất là suy tim, tuy nhiên đôi khi rối loạn nhịp hoặc đột tử là biểu hiện đầu tiên của bệnh. Nhiễm virus là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm cơ tim.
Tỷ lệ mắc bệnh của viêm cơ tim không được biết rõ do có nhiều trường hợp viêm cơ tim nhẹ nhàng tự khỏi nên người bệnh và gia đình không nhận thấy. Viêm cơ tim do virus thường xảy ra rải rác, tuy nhiên đôi khi cũng xảy thành dịch. Ở trẻ bú mẹ, viêm cơ tim do virus thường biểu hiện bằng viêm cơ tim cấp tính và rất trầm trọng. Ở trẻ nhỏ (2 đến 5 tuổi) bệnh cũng thường khởi đầu bằng viêm cơ tim cấp nhưng ít nặng nề hơn. Ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, bệnh thường không có triệu chứng và trẻ thường đến phòng khám khi đã có biểu hiện bệnh cơ tim giãn, thường là hậu quả của viêm cơ tim virus tiềm tàng trước đó. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất của viêm cơ tim là adenovirus và Coxsackie virus B cùng nhiều loại virus khác nữa.
g.Bệnh van tim
Hệ thống van tim là các cấu trúc đảm bảo cho máu lưu chuyển giữa các buồng tim theo một chu trình nhất định. Bình thường các van tim này là các cấu trúc thanh mảnh, mềm mại, cấu tạo bởi các lá van tim, và được cố định bằng các dây chằng, cột cơ. Vì một nguyên nhân nào đó, các lá van này mất đi độ mềm mại, thanh mảnh, bị dầy lên, dính vào nhau, hoặc vôi hóa (như trong bệnh van tim do thấp) hoặc các dây chằng cố định van tim bị sa xuống, đứt (như trong nhồi máu cơ tim) làm cho các van này không hoạt động được bình thường dẫn đến các bệnh lý van tim. Khi các van tim trở nên dày và cứng hoặc dính các mép van làm hạn chế khả năng mở của van tim, gây cản trở dòng máu, hiện tượng này gọi là hẹp van tim. Khi các van tim đóng lại không kín do giãn vòng van, thoái hoá, dính, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài… làm cho dòng máu có thể trào ngược lại trong thời kỳ đóng van gây ra hiện tượng này gọi là hở van tim. Các tổn thương trên có thể gặp ở tất cả các van tim, có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải. Các tổn thương van tim (hẹp hoặc/và hở van) đều có thể gây ra các rối loạn huyết động (tức là rối loạn lưu chuyển máu) và dẫn đến hậu quả bệnh lý từ mức độ nhẹ đến nặng.
Nguyên nhân gây bệnh lý van tim thường gặp nhất ở Việt Nam là thấp tim. Thấp tim thường gây dày dính, co kéo, vôi hóa hệ thống van tim, làm cho van bị hẹp, lâu ngày dẫn đến đóng không kín gây bệnh cảnh hẹp – hở van, thường gặp nhất là van hai lá và van động mạch chủ. Các nguyên nhân gây bệnh lý van tim ít gặp hơn như bẩm sinh (do sa van), do nhồi máu cơ tim (đứt dây chằng cột cơ gây hở van tim thường gặp nhất là van hai lá), do giãn các buồng tim trong bệnh lý suy tim do tăng huyết áp, bệnh cơ tim chu sản, bệnh cơ tim giãn vô căn….
Việc phòng ngừa chủ yếu là giữ cho cơ thể khỏe mạnh, khi hơi mệt cần phải đi kiểm tra tim mạch ngay, không làm việc quá sức và nhất là không để nhiễm các loại hóa chất. Nếu có bệnh bướu cổ cường giáp với nồng độ hoóc-môn tuyến giáp cao thì cần phải điều trị triệt để.