Aspirin là viên thuốc được sử dụng rộng rãi từ hơn một thế kỷ nay để giảm đau, hạ nhiệt (trong trường hợp bị cảm sốt) và giảm đau, chống viêm (trong các bệnh về cơ xương khớp). Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng chống kết tập tiểu cầu và giãn mạch (trong bệnh lý về tim mạch)... Cũng chính nhờ có tác dụng chống kết tập tiểu cầu mà aspirin trở thành thuốc rất quý, có thể dùng ngăn ngừa sự hình thành cục huyết khối gây nghẽn mạch dẫn đến nhiều bệnh lý tim mạch.
Tuy nhiên, Aspirin cũng như các loại thuốc khác, đều là dao hai lưỡi mà lưỡi nào cũng sắc. Người dùng phải rất thận trọng bởi những tác dụng phụ mà nó gây ra, đó là: có thể gây chảy máu (như chảy máu tiêu hóa) ngay cả khi dùng với liều thấp, gây co thắt phế quản (hen), độc hại với gan, suy giảm chức năng thận... Riêng với trẻ em dùng aspirin sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó có yếu tố thúc đẩy gây hội chứng Reye (phù não và suy gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tử vong cao). Vì vậy có nhiều quốc gia đã khuyến cáo không dùng Aspirin cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết thì tuyệt đối không được dùng Aspirin. Vì cho dù aspirin là loại thuốc hạ sốt, giảm đau tốt, nhưng lại không thể giúp được gì cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ không kê cho bệnh nhân sốt xuất huyết dùng aspirin là vì: trong sốt xuất huyết có hiện tượng chảy máu. Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết kéo dài hơn và không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh sốt xuất huyết trầm trọng thêm, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng không được dùng Aspirin vào 3 tháng cuối thai kỳ vì nguy cơ băng huyết khi sinh.
Người bệnh khi dùng Aspirin phải có đơn của thầy thuốc và được theo dõi chặt chẽ trong quá trình dùng thuốc. Để hạn chế tác hại do Aspirin gây ra cho dạ dày khi uống nên dùng Aspirin dưới dạng viên bao tan ở ruột hoặc viên phóng thích kéo dài, nên uống sau khi ăn và uống với thật nhiều nước. Không nên nghiền nát hoặc bẻ nhỏ thuốc khi uống. Khi đang dùng Aspirin mà gặp các tác dụng phụ như: chảy máu, lên cơn hen, dị ứng... thì cần ngừng thuốc và báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời.
Theo Suckhoedoisong
Bình luận
Viết bình luận