Thập niên 70 của thế kỷ 20 tại Australia, cứ 10 người trưởng thành lại có một người bị loét dạ dày, phần lớn là đàn ông trung niên thường xuyên hút thuốc, uống rượu. Trong suốt một thế kỷ, giới khoa học tin rằng căn bệnh này do dạ dày tiết quá nhiều axit, tinh thần căng thẳng, có tính di truyền. Thời đó, dạ dày được cho là môi trường vô trùng.
Năm 1979, Robin Warren - nhà nghiên cứu bệnh học tại Bệnh viện Royal Perth - phát hiện vi khuẩn hình dấu phẩy trong ruột của 50% bệnh nhân được ông lấy mẫu sinh thiết. Ông cũng quan sát được một hiện tượng quan trọng: dấu hiệu viêm nhiễm luôn xuất hiện tại niêm mạc dạ dày - gần với vị trí các vi khuẩn.
Năm 1981, Barry Marshall, chàng sinh viên năm ba chuyên ngành nội sinh hứng thú với phát hiện của Robin nên đã tìm gặp ông. Cả hai tiến hành nghiên cứu, lấy sinh thiết của 100 bệnh nhân. Sau nhiều lần thử, Barry nuôi cấy thành công loại vi khuẩn hình dấu phẩy này. Vi khuẩn cũng được Robin và Barry tìm thấy trong ruột của hầu hết bệnh nhân viêm dạ dày, loét tá tràng, loét dạ dày.
Bác sĩ Barry Marshall. Ảnh: Advance |
Cả hai nhận diện vi khuẩn tên H. pylori (Helicobacter pylori), nghi ngờ đây mới chính là nguyên nhân gây loét dạ dày.
Một năm sau, Barry cùng Robin nuôi cấy những con vi khuẩn H. pylori đầu tiên trên đĩa petri, phát triển giả thiết liên quan tới vi khuẩn gây loét dạ dày. Song, giả thiết của hai ông bị giới các nhà khoa học, bác sĩ chế giễu, không một ai tin vi khuẩn có thể sống trong môi trường axit của dạ dày.
"Không một ai ủng hộ tôi, nhưng lúc đó tôi biết mình đang đi đúng hướng", Barry kể trong một phỏng vấn năm 1998.
Không nhụt chí, Barry tiếp tục chứng minh giả thuyết của mình là đúng. Ông cấy khuẩn H.pylori vào chuột và lợn, song không có dấu hiệu viêm nhiễm trên cơ thể những con vật này. Kết quả trên động vật không như mong muốn, cũng không được phép thí nghiệm trên người, Barry ngày càng tuyệt vọng. Day dứt khi chứng kiến nhiều bệnh nhân phải cắt bỏ dạ dày, hoặc mất máu rồi tử vong vì căn bệnh, Barry đi tới quyết định làm thí nghiệm trên chính cơ thể mình - bệnh nhân duy nhất ông được phép thử.
Chắc chắn ruột mình không có khuẩn H. pylori, Barry lấy mẫu khuẩn H. pylori nuôi cấy được, bỏ vào bát súp thịt bò rồi uống, tin mình sẽ bị loét dạ dày sau một năm. Chỉ sau 3 ngày, ông bắt đầu buồn nôn, hơi thở có mùi hôi, tiêu chảy, kiệt sức, đến ngày thứ 5 thì nôn mửa. Kết quả nội soi cho thấy dạ dày của ông đã bị viêm do nhiễm khuẩn.
Nghiên cứu của Barry được đăng trên tạp chí Medical Journal of Australia năm 1985, là một trong những nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trong thời gian đó. Barry và Robin đã chứng minh với thế giới loét dạ dày là căn bệnh truyền nhiễm, cứu sống được rất nhiều bệnh nhân. Đây được coi là bước đầu trong hành trình khám phá bệnh loét dạ dày của nhà khoa học.
Barry và Robin tiếp tục miệt mài nghiên cứu sâu hơn trong 10 năm tiếp theo, đưa ra kết luận bệnh nhân loét dạ dày chỉ có thể được chữa khỏi bệnh khi vi khuẩn H. pylori trong ruột được tiêu diệt hoàn toàn.
Dần dần, giới y học cũng chấp nhận phát hiện của Barry và Robin, bắt đầu xét nghiệm khuẩn H. pylori để chẩn đoán loét dạ dày, từ đó tiến hành điều trị bằng kháng sinh.
Barry Marshall (bên phải) và Robin Warren. Ảnh: Business Insider |
Năm 2005, Barry Marshall và Robin Warren được trao giải Nobel Y sinh cho phát hiện vi khuẩn H pylori gây bệnh loét dạ dày.
Khi nhiều người sử dụng thuốc kháng sinh điều trị loét dạ dày, người ta thống kê được số ca ung thư dạ dày cũng giảm dần. Ngày nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận H. pylori là khuẩn có khả năng sinh chất gây ung thư. Khuẩn H. pylori làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây loét dạ dày, có thể phát triển thành ung thư.
Phát hiện có ý nghĩa lớn trong lịch sử y tế cộng đồng, cứu sống nhiều bệnh nhân, một phần nhờ vào hành động dũng cảm, sẵn sàng làm thí nghiệm trên chính cơ thể mình của bác sĩ Barry Marshall.
Nguồn VNExpress.net - Lê Hằng (Theo Mother Board, Nobel Prize)
Bình luận
Viết bình luận