Cả nước ghi nhận 36.437 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại 47 tỉnh/thành phố, trong đó có 10 trường hợp tử vong.

Ông Hoàng Đức Hạnh- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết,  tính đến ngày 22/6, Hà Nội đã có trên 2.000 người bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ 2016.

Các quận nội thành, dân cư tập trung đông như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm đang là những khu vực trọng điểm sốt xuất huyết. Theo ông Hạnh, thông thường mùa dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội là tháng 9-11 hằng năm, nhưng năm nay mùa dịch bắt đầu từ rất sớm - từ đầu tháng 5, đã có một nữ sinh viên 19 tuổi tử vong sau nhiều năm Hà Nội không có người sốt xuất huyết tử vong.

"Diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội trong năm nay phức tạp do chu kỳ dịch có sự thay đổi bất thường, không theo chu kỳ dịch những năm trước thể hiện ở số ca mắc tăng nhanh và cao sớm so với chu kỳ dịch những năm trước từ 2-3 tháng. Dịch được ghi nhận trên diện rộng và xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp có quy mô xã, phường với số bệnh nhân cao"- ông Hạnh nói.

Thống kê từ Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế cho hay, đến nay cả nước ghi nhận 36.437 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 47 tỉnh/thành phố, trong đó có 10 trường hợp tử vong tại các tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mỗi địa phương 1 trường hợp, Đồng Tháp 2 trường hợp và Trà Vinh 3 trường hợp.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay dù người mắc sốt xuất huyết vẫn tập trung ở khu vực miền Nam (gần 70% người bệnh), đặc biệt Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi và Cà Mau là những tỉnh, thành phố có số mắc sốt xuất huyết tăng cao bất thường so với năm trước. Tại miền Bắc, 6 tháng đầu năm sốt xuất huyết cũng gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội tăng 190%.

Thống kê của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ tính riêng tháng 6 năm nay, số lượng trẻ nhập viện do bệnh sốt xuất huyết đã tăng nhiều so với các tháng trước đó. Thống kê của khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, trong số 27 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết, riêng tháng 6 đã chiếm 13 ca.

Phía Nam, PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh cho biết ở khu vực phía Nam, sốt xuất huyết đã dịch chuyển đáng kể từ Tây Nam Bộ sang các tỉnh thành có kinh tế phát triển nhanh và công nghiệp hóa cao như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuổi của người bệnh mắc sốt xuất huyết cũng thay đổi, trước 2007 bệnh nhân sốt xuất huyết là người lớn chỉ chiếm 20%, nay đã lên 43%.

 Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ðể tích cực phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Ðậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy;

- Thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Theo SKDS

Các bài viết khác

Bình luận

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên