STDs là từ viết tắt của những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Có khoảng trên 20 bệnh STDS, nhưng thường gặp là các bệnh lậu, Chlamydia, giang mai, trùng roi sinh dục, bệnh hạ cam, herpes sinh dục, sùi mào gà sinh dục và HIV/AIDS... Bất kì người nào có quan hệ tình dục qua âm đạo, miệng hoặc hậu môn với người khác đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Những người này có thể không có triệu chứng và không biết mình đã mắc bệnh. Ngay cả khi bệnh không có biểu hiện triệu chứng, sức khỏe của người bệnh cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, sàng lọc STDs là đặc biệt quan trọng, nhất là khi bạn có quan hệ tình dục với nhiều đối tác.

Tuy nhiên bạn cần thực hiện những xét nghiệm gì và khi nào? Câu trả lời phụ thuộc vào độ tuổi, hành vi tình dục của bạn và các yếu tố nguy cơ khác.

Dưới đây là một số hướng dẫn xét nghiệm một số bệnh STDs thường gặp:

Chlamydia và bệnh lậu

Đây là hai bệnh hay đi kèm với nhau. Lậu và chlmaydia thường nhiễm vào cổ tử cung phụ nữ và đường tiết niệu nam giới, ngoài ra cũng có thể có ở trực tràng (bên trong hậu môn) và cổ họng. Thực hiện sàng lọc hàng năm trong các trường hợp:

- Bạn là nữ có quan hệ tình dục dưới 25 tuổi.

- Bạn là nữ trên 25 tuổi và có nguy cơ mắc bệnh  STDs. Ví dụ, nếu bạn đang quan hệ tình dục với một đối tác mới hoặc nhiều đối tác.

- Bạn là đàn ông có quan hệ tình dục đồng tính.

Sàng lọc chlamydia và bệnh lậu được thực hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu hoặc dùng tăm bông lấy dịch từ cổ tử cung ở nữ và dịch từ dương vật ở nam.

HIV, giang mai và viêm gan

Trung tâm Kiểm soát và dự phòng bệnh Mỹ (CDC) khuyến khích xét nghiệm HIV ít nhất một lần khi bạn ở độ tuổi từ 13 tới 64 và xét nghiệm HIV hàng năm nếu bạn là có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh này. 

Yêu cầu xét nghiệm HIV, giang mai và viêm gan nếu bạn:

- Có kết quả dương tính với bệnh lậu hoặc chlamydia vì những bệnh này khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh STDs khác.

- Có nhiều hơn một đối tác quan hệ tình dục kể từ lần kiểm tra cuối cùng.

- Sử dụng các thuốc đường tĩnh mạch (IV).

- Là đàn ông có quan hệ tình dục đồng tính.

Xét nghiệm bệnh giang mai bằng cách lấy máu hoặc thấm tăm bông từ vết loét trên bộ phận sinh dục. Xét nghiệm máu cũng được thực hiện để kiểm tra HIV và viêm gan.

HPV

Một số chủng HPV có thể gây ung thư cổ tử cung trong khi một số chủng khác gây mụn cóc sinh dục. Hầu hết những người có sinh hoạt tình dục đều bị nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong đời song không xuất hiện triệu chứng. Vi-rút này thường biến mất trong vòng 2 năm.

Hiện chưa có xét nghiệm sàng lọc HPV cho nam giới, thông thường các bác sĩ  chỉ thăm khám bằng mắt hoặc làm sinh thiết mụn cóc sinh dục.

Với nữ là xét nghiệm Pap (phát hiện những tế bào bất thường ở cổ tử cung) và được khuyến nghị thực hiện 2 năm/lần ở phụ nữ độ tuổi từ 21-30. Phụ nữ từ 30-65 tuổi có thể tiến hành xét nghiệm này 3 năm/lần nếu lần xét nghiệm gần nhất không có bất thường. Từ sau tuổi 30 bạn cũng có thể thực hiện xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV cùng lúc cứ 5 năm 1 lần (thay vì chỉ xét nghiệm Pap 3 năm một lần).

Xét nghiệm HPV: thường không được thực hiện ở phụ nữ dưới 30 tuổi vì nhiễm HPV thường tự hết ở độ tuổi này.

Ngoài ra, mới đây Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ đã phê chuẩn xét nghiệmcobas® HPV mới cho phụ nữ trên 25 tuổi sau khi cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ vì họ cho rằng nhóm tuổi 25-29 là tuổi có tỷ lệ mắc tiền ung thư cổ tử cung cao nhất. Xét nghiệm này sử dụng mẫu các tế bào cổ tử cung để xác định 14 chủng HPV nguy cơ cao đặc biệt là HPV 16 và HPV 18. Nếu phát hiện một trong hai chủng HPV này, bạn được khuyến nghị soi cổ tử cung để kiểm tra chi tiết hơn về các tế bào cổ tử cung. Nếu xét nghiệm phát hiện các chủng HPV khác, bạn nên làm xét nghiệm Pap để xem bạn có cần soi cổ tử cung không.

Đây là lựa chọn thứ 3 cho các nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân. Nếu trên 25 tuổi và muốn sử dụng phương pháp sàng lọc này thay vì xét nghiệm Pap, bạn hoàn toàn có thể thực hiện.

HPV cũng có thể liên quan đến ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn. Việc tiêm vắc-xin có thể bảo vệ cả nam và nữ khỏi một số dạng HPV song thường phát huy hiệu quả tốt nhất nhất nếu được tiêm trước độ tuổi bắt đầu có sinh hoạt tình dục.

Ngoài việc khám sàng lọc theo độ tuổi, bạn nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt nếu thấy bất kì dấu hiệu nào của bệnh STDs như: cảm giác nóng rát khi đi tiểu, tiết dịch âm đạo quá mức hoặc bất thường, ngứa, lở loét bộ phận sinh dục, chảy máu âm đạo hoặc đau trong khi quan hệ tình dục, hoặc đau ở vùng bụng dưới…
Sàng lọc các bệnh STDs có thể phát hiện sớm những bệnh nguy hiểm giúp cho việc điều trị và ngăn ngừa sự lây lan của bệnh hiệu quả hơn.

Hà Ngân

Theo Suckhoedoisong.vn

Các bài viết khác

Bình luận

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên