Thông thường, bệnh xương khớp không có nhiều triệu chứng hay dấu hiệu nhận biết trong thời gian ủ bệnh; người bệnh chỉ tìm đến bệnh viện, đến bác sĩ khi bị đau nhức quá, đó là khi bệnh đã nặng, rất khó điều trị phục hồi và bệnh nhân sẽ phải chấp nhận sống chung với bệnh khớp.
Tuổi nào dễ bị đau khớp?
Nhóm tuổi được xác định mắc bệnh khớp nhiều nhất là sau tuổi 40, nhóm bệnh viêm khớp tăng cao nhất trong các bệnh lý của con người, hơn cả tim mạch và ung thư. Đặc biệt, thoái hóa khớp chiếm đến 50% trong nhóm bệnh viêm khớp. Tại Việt Nam, tỷ lệ người thoái hóa khớp trên 35 tuổi là 30%, trên 65 tuổi là 60% và trên 80 tuổi lên đến 85%.
Trong khi đó, kết quả một cuộc thăm dò đối với 1.000 người cao tuổi gặp vấn đề chung về bệnh tật lúc giao mùa cho thấy, cứ 10 người được hỏi thì có tới 8 người trả lời thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt làm cho các khớp xương của họ bị đau nhức. Với tỷ lệ này, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh khớp cao của khu vực và thế giới.
Vì sao bệnh khớp gia tăng khi lạnh?
Theo các chuyên gia về lĩnh vực xương khớp thì, khi thời tiết trở lạnh, không khí lạnh sẽ thâm nhập qua lỗ chân lông thấm qua da thịt của bạn khiến các mạch máu bị co lại. Lúc này thì sự lưu thông máu đến các khớp rất kém, các khớp bị thiếu máu nên rất dễ tái phát các bệnh về khớp trong đó có viêm khớp, thoái hoá khớp, khiến người bệnh cảm thấy đau nhức hơn bình thường. Theo y học cổ truyền, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để các yếu tố gây bệnh như phong (gió), thấp (ẩm) xâm nhập cơ thể, lưu đọng lại ở các khớp xương khiến kinh lạc bị trì trệ, khí huyết kém lưu thông và phát sinh chứng đau nhức ở các khớp. Trong khi đó, y học hiện đại cho rằng bệnh khớp thường trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết chuyển mùa là do áp suất khí quyển thấp. Khi thời tiết thay đổi, áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực lên các khớp. Đặc biệt đối với những bệnh nhân khớp mạn tính, lớp sụn khớp bị bào mòn trơ ra đầu xương lồi lõm, các dây thần kinh cũng nhạy cảm hơn nên sẽ cảm nhận các cơn đau nhức, cứng khớp rõ hơn. Còn theo các nhà khoa học về di truyền học, nguyên nhân được giải thích là do gene và hệ miễn dịch trong cơ thể thay đổi theo mùa.
Hai bệnh khớp thường gặp
Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp là tình trạng phá hủy sụn khớp - là một cấu trúc đàn hồi giúp bảo vệ các đầu xương làm cho chúng khỏi cạ vào nhau. Thoái hóa khớp có biểu hiện đặc trưng là sự hình thành các gai xương do hiện tượng hao mòn xương gây ra. Thoái hóa khớp chỉ ảnh hưởng đơn thuần đến khớp và có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp khác nhau, như bàn tay, khớp gối, khớp cột sống và khớp háng. Ngoài gây đau và cứng khớp, thoái hóa khớp còn làm hạn chế vận động, vì một khớp khi đã viêm thì không thể vận động tối đa và dễ dàng được. Tuổi là yếu tố chính tăng nguy cơ dạng viêm khớp này. Những yếu tố khác góp phần vào bệnh lý này bao gồm tình trạng thừa cân, các stress lên khớp do sử dụng quá mức hoặc chấn thương và gia đình có tiền sử bị thoái hóa khớp.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn. Hiểu đơn giản là hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công chính các tế bào khỏe mạnh của cơ thể, như mô, khớp, các cơ quan và xử lý chúng giống như một tác nhân xâm nhập từ bên ngoài vậy. Viêm khớp dạng thấp là một dạng viêm khớp mạn tính trong đó lớp bao hoạt dịch của khớp bị viêm. Mặc dù chỉ có độ dày của vài tế bào da, nhưng bao hoạt dịch đóng vai trò như một cái bao để bảo vệ khớp và ngăn chặn những tác nhân có hại xâm nhập vào khớp. Các tế bào của bao hoạt dịch cũng sản xuất ra các chất giúp bôi trơn khớp. Khi mà bao hoạt dịch này bị viêm, nó sẽ trở lên dày lên và căng đầy dịch. Điều này làm cho khớp bị sưng lên và có thể gây đau, cứng khớp và thậm chí có thể mất hoàn toàn vận động khớp. Viêm khớp dạng thấp có xu hướng ảnh hưởng đến những khớp đối xứng nhau ở cả hai bên, mặc dù có thể không phải cùng một thời điểm. Dạng viêm khớp này gặp nhiều ở phụ nữ hơn nam giới.
Điều trị cách nào?
Như trên đã nói người bệnh chỉ tìm đến bệnh viện, đến bác sĩ khi bị đau nhức quá, đó là khi bệnh đã nặng, rất khó điều trị phục hồi và bệnh nhân sẽ phải chấp nhận sống chung với bệnh khớp. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng bằng các thuốc giảm đau chống viêm theo chỉ định của bác sĩ.
Đặc biệt với đau khớp mùa lạnh thì phương pháp làm nóng vùng khớp sẽ vô cùng hiệu quả. Tác dụng của chườm nóng: Khi đang bị đau khớp, cách tốt nhất để giảm đau là làm nóng như: tắm nước nóng toàn thân (áp dụng cho các trường hợp viêm nhiều khớp), ngâm, đắp nóng hoặc chườm nóng với ngải cứu và gừng cũng rất hiệu quả. Cách thực hiện là: rửa sạch lá ngải cứu, cho lẫn muối vào rồi rang nóng lên, sau đó đắp vào khớp. Khi khớp bị sưng, đắp ngải cứu muối ấm sẽ làm cơn đau giảm đi, khớp bớt sưng hơn. Hoặc mỗi ngày ngâm chân một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, ngâm từ 15 - 30 phút. Nước muối ấm và gừng có tác dụng làm dịu cơn đau, phòng bệnh đau khớp cổ chân và còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh cho toàn thân. Đối với tắm nóng, nhiệt độ nước từ 30-40 độ C, thời gian tắm từ 15 - 20 phút. Nước nóng có tác dụng giảm đau, tăng tuần hoàn máu, thư giãn cơ, giảm cơn co cứng cơ và giúp người bệnh thực hiện một số cử động chủ động của khớp trong nước. Đắp nước nóng bằng túi chườm nóng cũng có tác dụng giảm đau ở một hoặc hai khớp, thời gian đắp tối đa 20 phút. Trường hợp dùng đèn hồng ngoại thì nên đặt cách da 60cm, thời gian chiếu tối đa 30 phút.
Lời khuyên của thầy thuốc
Bệnh khớp thường gia tăng đột biến vào giai đoạn chuyển mùa, đặc biệt là mùa đông – xuân khi thời tiết lạnh ẩm. Vì thế, khi có dấu hiệu đau nhức xương khớp, người bệnh cần sớm đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp. Ngoài ra, mỗi người cần có thói quen phòng bệnh bằng cách kiểm tra sức khoẻ định kỳ, ăn uống tập luyện lành mạnh, bổ sung những dưỡng chất giàu vitamin, canxi giúp xương khớp luôn bền bỉ… tránh thói quen khi đau mới đến gặp bác sĩ.
Bình luận
Viết bình luận