Thời tiết lạnh như hiện nay khiến nhiều trẻ nhỏ có biểu hiện ho làm cha mẹ lo lắng - nhất là khi vừa có một trẻ nhỏ tử vong vì cha mẹ tự ý chữa ho ở nhà: "Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 2 tháng tuổi bị tử vong vì bố mẹ tự ý chữa ho tại nhà. Gia đình kể lại với bác sĩ cho biết, bệnh nhi có dấu hiệu sốt, ho và chảy nước mũi, tuy nhiên do nghĩ bé chỉ bị cảm cúm thông thường do thời tiết lạnh nên gia đình chỉ cho uống thuốc sirô ho thảo dược mà không đưa trẻ đi khám.
Sau đó, trẻ bị khó thở, bỏ bú, gia đình vội đưa con vào bệnh viện khám thì đã muộn. Thời điểm bệnh nhi vào khám, bệnh đã tiến triển rất xấu dẫn đến suy hô hấp kéo dài, ngừng tim và tử vong sau đó".

Ho không nhất thiết phải dùng kháng sinh

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, ho là một triệu chứng chứ không phải bệnh lý, ho thông thường do cảm lạnh, cảm cúm hoặc chúng ta hít phải các khí lạ trong môi trường gây kích thích ho. Còn ho bệnh lý (nặng) thì thường là do các bệnh ở đường hô hấp dưới (như viêm phổi, viêm tiểu phế quản…) có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của em bé. Còn các bệnh đường hô hấp trên (cảm lạnh, viêm mũi, viêm tai mũi họng…) không nặng đến mức nguy hiểm và không cần phải lo lắng lắm. Các nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ ho thông thường (có thể có sốt, vẫn chạy nhảy ăn chơi bình thường, không có khó thở nặng) thì không phải là bệnh đường hô hấp dưới.

Hiện nay có rất nhiều cách trị ho, thuốc ho bây giờ cũng có rất nhiều, dân gian cũng có nhiều bài thuốc. Tuy nhiên, vị chuyên gia Nhi khoa này khuyến cáo, nếu ho không phải bệnh nặng, không phải biến chứng viêm phổi, viêm tai..., tức là những bệnh không cần dùng kháng sinh thì chỉ cần dùng thuốc ho theo hướng dẫn của bác sĩ là được. “Với các phương pháp chữa ho dân gian như hấp chanh quất đường phèn, rồi chanh đào mật ong cũng rất tốt với trẻ ho thông thường. Tuy nhiên với sự ô nhiễm môi trường như hiện nay thì cha mẹ cần hết sức lưu ý khi dùng cách chữa ho này. Chúng ta có thể sử dụng những sản phẩm có sẵn được làm từ thiên nhiên đảm bảo quy trình vệ sinh, nồng độ, liều lượng”- PGS. Dũng nói.

Nôn trớ sau ho có phải bệnh lý?

Không ít phụ huynh bày tỏ lo lắng trẻ bị nôn trớ sau ho sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, ảnh hưởng đến mũi họng, trẻ biếng ăn, tăng cân chậm… Về vấn đề này, PGS. Dũng cho biết, muốn biết trẻ có suy dinh dưỡng không thì phải đi khám chứ không nên nhìn nhận một cách phiến diện. Nhiếu trường hợp trẻ bị ép ăn nhiều dẫn đến trào ngược mà bị trào ngược thì không thuốc gì chữa được. Hoặc trẻ bị chảy nước mũi xuống họng khi nằm (chuyên môn gọi là chảy mũi sau) thì hay bị ho và nôn trớ (chuyên môn gọi là nôn thứ phát khi chảy mũi sau).

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, trên thực tế, không có đứa trẻ nào không từng nôn trớ, đây là hiện tượng khá thường gặp. Thông thường thức ăn đi miệng qua thực quản xuống dạ dày, trớ là ăn xong thức ăn từ dạ dày lên miệng. Nôn là ngoài trào do co thắt dạ dày còn do co thắt bụng. Những đứa trẻ nhỏ do cấu tạo dạ dày dưới 1 tuổi dạ dày nằm ngang nên dễ trớ.

“Các bà mẹ thường lo lắng, gây áp lực cho bà mẹ là con mình thấp hơn con hàng xóm mà không quan tâm đến chiều cao. Nôn trớ là bệnh lý của đường tiêu hóa, nhưng đôi khi nó lại là bệnh lý của đường hô hấp như hen phế quản, trào ngược dạ dày thực quản,… trớ liên tục. Những trường hợp nôn kéo dài dễ là bệnh lý, thậm chí có bệnh lý dạ dày nôn cũng có xuất hiện. Nếu cha mẹ lo lắng con bị suy dinh dưỡng thì nên cho trẻ đến bác sĩ để xem cháu có bệnh lý gì không , tiếp đó là tìm đến tư vấn bác sĩ dinh dưỡng nếu không có bệnh lý gì”- PGS. Thúy khuyến cáo.

Không lạm dụng rửa mũi cho trẻ

Rất nhiều ông bố bà mẹ cho rằng, trẻ nhỏ ho là liên quan đến đường mũi - họng rất lớn. Cho nên đã thường xuyên rửa mũi cho con, song PGS. Dũng cho rằng, mũi có cơ chế tự làm sạch, khi chức năng của mũi còn hoàn hảo (không chảy mũi...) thì không phải rửa mũi hàng ngày. Chỉ khi có bệnh, chảy nước mũi thì cha mẹ mới nên rửa nhưng phải rửa đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu không rửa đúng cách thì vô hình chung chúng ta mang vi khuẩn vào mũi của trẻ.

Theo Suckhoedoisong

Các bài viết khác

Bình luận

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên