Trong điều trị loét dạ dày, tá tràng, bismuth subcitrat (gọi tắt là bismuth) thường được dùng phối hợp với các thuốc khác (thuốc ức chế bơm proton hoặc các chất chẹn thụ thể histamin - 2 và thuốc kháng sinh phối hợp) để diệt vi khuẩn H.Pylori (một trong những nguyên nhân chính gây loét dạ dày, tá tràng) và ngăn ngừa tái phát loét.

Sự phối hợp này đã giúp tới 95% người bệnh được diệt trừ H. Pylori, so với chỉ 20% người bệnh (khi dùng đơn trị liệu - một mình bismuth). Bismuth được dùng uống trước bữa ăn, trong thời gian 4 - 8 tuần (theo chỉ định của bác sĩ).

Sau khi uống, bismuth cùng với acid dạ dày tạo thành tủa, kết hợp với các sản phẩm giáng vị của protein được giải phóng liên tục do quá trình hoại tử mô ở ổ loét, tạo thành một lớp màng bảo vệ, một rào chắn không cho dịch vị, các enzym và cả pepsin trong dạ dày, ruột tấn công ổ loét. Điều thú vị là, bismuth chỉ bao phủ chọn lọc lên đáy của ổ loét dạ dày, còn với niêm mạc dạ dày bình thường thì sẽ không có tác dụng này. Hiệu lực của bismuth phụ thuộc vào tác dụng tại chỗ ở vị trí loét. Với liều khuyến cáo, sự hấp thu ít nên khó có thể gây độc.

    Tuy nhiên khi dùng bismuth, cần chú ý:

    Khi uống thuốc, bismuth có thể gây cảm giác buồn nôn, nôn cho người dùng. Độc tính với thận hay độc với thần kinh có thể xảy ra khi dùng quá liều hoặc uống thuốc trong thời gian dài hoặc uống cùng với những hợp chất khác cũng chứa bismuth. Vì vậy, không khuyến cáo dùng liệu pháp toàn thân (uống) dài hạn với bismuth và không nên dùng bismuth để điều trị duy trì, mặc dù điều trị có thể lặp lại sau khi ngừng dùng thuốc 1 tháng.

    Do khi vào cơ thể, bismuth phản ứng với H2S của vi khuẩn dẫn đến hình thành bismuth sulfua tạo nên màu đen ở khoang miệng và phân. Vì vậy, khi uống bismuth người dùng sẽ thấy có hiện tượng nhuộm đen phân hoặc lưỡi và làm biến màu răng (có hồi phục). Đây là biểu hiện không nguy hiểm nhưng thận trọng khi dùng bismuth cho người bệnh có tiền sử chảy máu đường tiêu hóa trên (vì gây phân màu đen của bismuth có thể nhầm lẫn với đại tiện máu đen do chảy máu đường tiêu hóa gây ra), dẫn tới chậm trễ trong chẩn đoán, gây nguy hiểm cho người bệnh.

    Nguyễn Ngọc Bích

    Các bài viết khác

    Bình luận

    Viết bình luận

    Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên