Thời tiết giao mùa, đặc biệt rõ rệt ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta, khiến các bệnh về đường hô hấp tăng lên, trong đó nổi bật là bệnh cảm cúm. Khi bị cảm cúm đa số người bệnh đều tự dùng thuốc và nhiều người mắc sai lầm mà không hề hay biết.

Không đọc kỹ thành phần của thuốc

Với mỗi sản phẩm, nhà sản xuất đều có kèm thêm chú ý: “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Nhưng đa số mọi người đều chỉ đọc cách uống thuốc bao nhiêu viên hay bao nhiêu ml, uống sáng hay tối, sau khi ăn hay trước khi ăn mà ít khi để ý tới thành phần thuốc, tác dụng phụ, chống chỉ định... Hậu quả là người bệnh phạm vào chống chỉ định của thuốc, dùng các loại thuốc có thành phần không phù hợp với tình trạng bệnh sẵn có, gặp những biến cố bất lợi do thuốc gây ra...

Sử dụng quá liều thuốc hạ sốt, giảm đau

Paracetamol (acetaminophen) là thuốc hay được sử dụng nhất. Nếu dùng quá liều (vô tình hay cố ý), nhẹ thì sẽ xuất hiện buồn nôn, đau bụng, nặng sẽ gây độc cho gan, hoại tử gan dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Cần chú ý thêm, khi sử dụng paracetamol không nên dùng rượu bia, các chất kích thích gây tăng độc tính cho gan và tránh dùng các loại thuốc đều chứa paracetamol cùng một lúc gây quá liều và ngộ độc cấp tính.

sai-lam-thuong-gap-trong-dung-thuoc-chua-cam-cum-1

Các thuốc trị cảm cúm thông thường cũng có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ em và thanh thiếu niên

    Dùng aspirin ở trẻ sẽ nguy hiểm, vì có nguy cơ bị hội chứng Reye, gây tổn hại não và gan. Dùng aspirin và ibuprofen để hạ sốt cho người có tiền sử loét dạ dày tá tràng tiến triển, quá mẫn với thuốc, người bị hen hay co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch... gây các tai biến như xuất huyết tiêu hóa, lên cơn hen cấp tính, rối loạn tim mạch...

    Lạm dụng các loại thuốc giảm ho, chống nghẹt mũi

    Các thuốc có chứa các thành phần như: codein và dextromethorphan, naphazolin...  gây suy hô hấp ở trẻ nhỏ, hay co mạch toàn thân dẫn đến tím tái, choáng, tăng huyết áp, chóng mặt, đột quỵ cho người dùng có tiền sử bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, người bị hen, suy thận, đái tháo đường... Cần ngừng ngay thuốc nếu phản ứng phụ xảy ra. Các loại thuốc nhỏ mũi không nên dùng quá 3 ngày vì nếu lạm dụng thuốc nhỏ mũi sẽ càng làm mũi ngạt hơn do thuốc gây ra, làm cho việc điều trị trở nên rất khó khăn. Nếu sau 3 ngày nhỏ thuốc mũi bệnh không đỡ người bệnh cần đi khám ngay.

    Tự ý dùng thuốc kháng sinh

    Khi bị cảm cúm do virut, dùng kháng sinh không có tác dụng. Kháng sinh chỉ đem lại hiệu quả khi cơ thể bị mắc một chứng viêm nhiễm nào đó mà “thủ phạm” là do vi khuẩn gây ra. Nếu dùng kháng sinh khi nhiễm virut sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi hơn, thậm chí rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do kháng sinh, giảm sức chỗng đỡ của cơ thể...

    Vì vậy khi bị cảm cúm người bệnh cần hết sức thận trọng trong việc dùng thuốc. Nếu sau vài ba ngày bệnh không đỡ người bệnh cần đi khám để có sự chỉ định dùng thuốc an toàn, hiệu quả từ phía các thầy thuốc.

    Bên cạnh việc dùng đúng thuốc trị cảm cúm, mọi người cũng có thể sử dụng các loại cây lá quanh mình để chữa trị cũng rất hiệu quả. Ví dụ: Gừng để pha trà, có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn, như là một chất kháng virut và cũng rất tốt cho dạ dày, khi dùng gừng để tắm, giúp kích thích hoạt huyết và thoát mồ hôi, hay mật ong có thể được dùng để giảm ho và tăng khả năng miễn dịch. Một thìa mật ong và một chút nước cốt chanh tươi cũng đủ đẩy lùi những cơn ho dai dẳng. Lá tía tô, nhọ nồi, đinh hương,... đun thành nước xông giải cảm... .

    DS. Hà Khuê

    Các bài viết khác

    Bình luận

    Viết bình luận

    Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên