Thanh Tâm (Chương Mỹ, Hà Nội)
Việc vô tình tiếp xúc với côn trùng như bọ xít, kiến ba khoang, con thiêu thân có nhiều phấn, con rết, côn trùng cánh cứng... có thể gây nên tình trạng viêm da tiếp xúc ở bất kỳ vùng da nào. Ngay sau khi tiếp xúc với côn trùng, da ở chỗ tiếp xúc trực tiếp sẽ bị đỏ lên, có cảm giác ngứa, rát, sưng nề. Sau khoảng 5 -7 giờ da bắt đầu bị sưng, phù kéo thành các vệt dài theo vùng chúng tiếp xúc, nổi mụn nước kích thước vài mm không đồng đều, sau 2-3 ngày thì trở thành mụn mủ, đầu trắng, có ngứa, trường hợp nặng thì có sốt nhẹ, nổi hạch vùng cổ, nách, vùng bẹn thương ứng với vị trí tổn thương. Tổn thương ở vùng mắt có thể làm mi mắt sưng nề, mắt híp lại, đôi khi phải vài ngày sau mới mở mắt ra được.
Khi bị viêm da cần rửa sạch da với các loại xà bông có tính kiềm làm trung hòa môi trường acid có trong chất độc của côn trùng, sau đó tắm rửa bình thường với nước sạch. Bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày, da đóng vảy và khô dần. Khi thấy các dấu hiệu bệnh ngày càng nặng lên thì cần đi khám chuyên khoa da liễu để được điều trị phù hợp, không tự ý đắp lá hoặc dùng thuốc không nguồn gốc, dễ khiến tình trạng viêm nhiễm ngày càng nặng hơn.
BS. Trần Lan (Báo Sức khỏe đời sống)
Bình luận
Viết bình luận