Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đại dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1960, năm nào cũng có hàng trăm nghìn ca mắc. Ngành y tế phát đi cảnh báo liên hồi, song vẫn có nhiều người nhận thức sai lệch về bệnh gây hậu quả đáng tiếc.
Sốt xuất huyết năm nay lại vào mùa. Theo thống kế của ngành y tế, TP.HCM đã có 144 phường xã có người nhập viện, và Hà Nội có 198 phường xã xuất hiện ổ dịch. Để tránh nguy cơ đáng tiếc, người dân cần gỡ bỏ loạt ngộ nhận cực nguy hiểm về bệnh.
Sốt xuất huyết gieo rắc nỗi ám ảnh bởi diễn biến phức tạp, bệnh gây nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Song ngộ nhận phổ biến nhất chính là nhầm lẫn triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết với sốt phát ban, sốt siêu vi. Điều này thường dẫn đến tâm lý chủ quan không đi khám, người bệnh tự ý mua thuốc về hạ sốt, mà không biết rằng căn bệnh do muỗi này rất “kén” thuốc uống.
Sốt xuất huyết bắt đầu bằng những cơn sốt cao 39-40 độ C trong 3-5 ngày. Khi sốt không rõ nguyên nhân, tốt nhất nên đi khám để xét nghiệm tìm bệnh. Bài học lớn nhất phải nằm lòng, đó là hạ sốt và bù nước tích cực giúp thể trạng vững vàng hơn. Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh: “Người lớn hay trẻ nhỏ, sốt xuất huyết hay sốt chưa rõ nguyên nhân, chỉ nên dùng paracetamol”. Người bệnh sốt xuất huyết không được uống các loại thuốc hạ sốt thành phần khác, bởi chúng ngăn tập kết tiểu cầu, chống đông máu, gây xuất huyết nặng hơn.
Nhiều người còn ngộ nhận rằng hết sốt là “hết sốt xuất huyết”. Mặc dù thăm khám biết bản thân sốt xuất huyết, song không ít cha mẹ sau thấy lui sốt, bớt mệt, liền đi làm lại; trẻ nhỏ dứt sốt vài hôm cũng cho đi học, du lịch xa. Sự thực là, hết sốt mới là điểm khởi đầu của giai đoạn “bên ngoài trông bình thường, bên trong hệ miễn dịch giằng xé mãnh liệt với virus”. Chủ quan không tiếp tục theo dõi, lơ là chăm sóc, sẽ khiến cơ thể hứng đủ biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh.
Những ngày đầu “đấu trí” với cơn sốt bao nhiêu, thì khi hết sốt, chúng ta dễ chủ quan bấy nhiêu. Giai đoạn này, các tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết có thể âm thầm diễn ra trong cơ thể. Nếu chảy máu ồ ạt trong nội tạng, người bệnh sốc, tính mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Có người biểu hiện ra ngoài bằng các nốt xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn nhiều, phân đen... để cảnh báo muộn đến bệnh viện cấp cứu. Nhưng đáng lo nhất là trẻ nhỏ, chúng chỉ thấy bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú, bỏ ăn, chân tay lạnh, mạch yếu, da nhợt... mơ hồ đến mức ít cha mẹ để ý đến.
Sốt xuất huyết từ ngày 3-7 của chu kỳ bệnh là giai đoạn cần được theo dõi liên tục từ bác sĩ. Suốt 5 ngày này, không đi làm, đi học hay du lịch. Bác sĩ khuyên cần nghỉ ngơi và tỉnh táo xét nghiệm đo tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu mỗi ngày để kiểm soát biến chứng. Nhẹ có thể theo dõi tại nhà. Nặng thì bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện để truyền dịch cấp cứu và chống sốc tích cực.
Nguồn Suckhoedoisong
Bình luận
Viết bình luận