Corticoid là loại thuốc cần thiết trong điều trị một số bệnh nhưng lại là con dao hai lưỡi mà lưỡi nào cũng sắc. Một trong những quan ngại khi sử dụng loại thuốc này là có thể dẫn đến mức đường máu cao hơn ngưỡng bình thường và sử dụng lâu dài có thể phát triển bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2.

Corticoid là nội tiết tố của tuyến thượng thận, có vai trò rất quan trọng đối với sự chuyển hóa muối, đường, mỡ và chất đạm, duy trì các chức năng sống của cơ thể. Người ta cũng đã sản xuất các chất corticoid tổng hợp như prednisolone, dexamethasone, cortisol, hydrocortisone để điều trị rất hiệu quả nhiều bệnh nặng như hen phế quản, viêm khớp, viêm loét đại tràng, hội chứng thận hư, một số bệnh ngoài da, bệnh lupus ban đỏ hoặc để chống thải loại tạng ghép... Ở nước ta, do chưa tuân thủ đúng những nguyên tắc về chế độ kê đơn và bán thuốc theo đơn nên nhiều người tự ý dùng corticoid bừa bãi đã bị các tác dụng phụ nguy hiểm (loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, loét và chảy máu dạ dày, dễ bị nhiễm khuẩn...). Thế nhưng ngay cả khi dùng đúng chỉ dẫn của thầy thuốc thì người bệnh vẫn có thể bị các biến chứng, đặc biệt với trường hợp dùng corticoid dài ngày.

Corticoid làm tăng đường huyết và nặng thêm bệnh ĐTĐ

Do làm tăng tân tạo glucose ở gan, tạo điều kiện làm tăng triglycerid máu và làm giảm vận chuyển glucose trong cơ nên khi dùng dài ngày corticoid có thể gây tăng đường huyết (vì tạo điều kiện cho hiện tượng kháng insulin qua việc làm giảm khối cơ và làm tăng mỡ ở tạng). Các thuốc này không trực tiếp làm tăng đường huyết nhưng gián tiếp ảnh hưởng lên sự bài tiết insulin, tăng đề kháng insulin, làm giảm tác dụng của insulin nên làm tăng đường huyết và làm nặng thêm bệnh ĐTĐ. Việc đường huyết tăng nhiều hay ít so với trước khi dùng corticoid phụ thuộc một số yếu tố như: liều dùng, thời gian dùng (dùng trong thời gian càng lâu, nguy cơ càng lớn), tuổi của bệnh nhân (khoảng 20% số bệnh nhân bị đái tháo đường do dùng corticoid ở tuổi trên 50), yếu tố cơ địa (gene hoặc chuyển hóa), bệnh nhân có sẵn hội chứng kháng insulin,... đường dùng thuốc (corticoid đường tiêm và uống gây tăng đường huyết nhiều hơn, dạng corticoid sử dụng đường khác như xịt hen hoặc kem bôi da có ít tác dụng phụ hơn).

Làm gì để hạn chế tăng đường huyết do corticoid?

Khi kê đơn cho bệnh nhân dùng corticoid cần định lượng đường máu khi đói và sau ăn một cách hệ thống trước khi bắt đầu và sau điều trị 10 ngày. Bệnh nhân cần được thông báo trước về nguy cơ bị đái tháo đường cũng như sự cần thiết phải tránh ăn vào một lượng glucid quá lớn (coca-cola, soda, ăn quá nhiều đường và bánh mỳ). Thông thường, đường máu sẽ trở về mức bình thường sau khi ngưng sử dụng corticoid, nhưng trong một số trường hợp cá biệt, nếu có những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường týp 2 từ trước, dùng corticoid làm bộc lộ sớm bệnh.

    Người bệnh chỉ dùng corticoid khi có chỉ định của thầy thuốc và khi các biện pháp điều trị bảo tồn khác đã thất bại. Ðiều trị thuốc corticoid với liều thấp nhất (có tác dụng) và trong thời gian ngắn nhất (có thể). Ưu tiên sử dụng các cách dùng thuốc ít tác dụng phụ nhất mà vẫn đạt hiệu quả như bôi ngoài da hoặc các bệnh nhân hen phế quản phụ thuộc corticoid có thể dùng đường hít.

    Điều trị tăng đường huyết do corticoid như thế nào?

    Để điều trị tăng đường huyết do corticoid gây nên, trước tiên phải lưu ý tới chế độ ăn. Cần áp dụng chế độ ăn ít glucid giàu đạm và tăng cường rau xanh, hoa quả. Sau đó nếu cần có thể dùng các sulfamid hạ đường huyết hoặc dùng insulin (dưới dạng insulin nhanh) dùng trước bữa ăn. Nhiều khi phải dùng liều khá lớn, hoặc tiêm insulin có tác dụng 2 pha vào buổi sáng và chiều.

    Liều điều trị của thuốc chữa đái tháo đường cần được điều chỉnh song song với việc giảm liều corticoid để tránh nguy cơ bị hạ đường huyết. Trong những trường hợp cần điều trị corticoid dài ngày (ví dụ điều trị bệnh Horton...), khi ngừng corticoid cần kiểm tra xem có suy thượng thận chức năng hay không.

    Khi bắt đầu giảm liều, cần chú ý các dấu hiệu có thể là do suy thượng thận như mệt, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tụt huyết áp, thậm chí là có cơn choáng, hôn mê... Khi đó nên đến bệnh viện sớm để kiểm tra. Không bao giờ được tự ngừng thuốc corticoid đột ngột, nhất là những trường hợp đang dùng liều cao hoặc đã dùng thuốc trong thời gian dài vì có nguy cơ rất cao gây suy thượng thận cấp nặng, dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

    Người bệnh cần lưu ý gì?

    Các bệnh nhân ĐTĐ có thể mắc kèm một số bệnh khác (như hen phế quản, viêm khớp...) và cần phải dùng corticoid để điều trị, cần lưu ý một số điểm: Khi điều trị corticoid cần được kiểm tra đường máu thường xuyên. Trường hợp điển hình ở các bệnh nhân này là đường máu lúc đói bình thường hoặc cao ít nhưng đường máu trong ngày sẽ cao nhiều. Do đó nếu chỉ kiểm tra đường máu vào buổi sáng là không đủ. Thường sẽ phải tăng liều thuốc điều trị đái tháo đường, ngay từ ngày đầu tiên dùng corticoid và mỗi khi thay đổi liều corticoid thì lại phải đánh giá lại mức độ kiểm soát đường huyết để điều chỉnh liều cho phù hợp.

    Nếu dùng corticoid liều thấp, ngắn ngày thì có thể tiếp tục dùng các thuốc uống hạ đường máu nhưng nếu dùng dài ngày, liều cao thì nên chuyển sang điều trị ĐTĐ bằng insulin.

    Ds. Thanh Hoài


    Các bài viết khác

    Bình luận

    Viết bình luận

    Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên