Thật bất ngờ: 100% mẫu cháo dinh dưỡng do Tuổi Trẻ gửi kiểm nghiệm đều có chứa hóa chất. Từ thông tin này, thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã thanh tra và lấy một số mẫu kiểm nghiệm, kết quả sẽ có trong thời gian tới.
Thật bất ngờ: 100% mẫu cháo dinh dưỡng do Tuổi Trẻ gửi kiểm nghiệm đều có chứa hóa chất. Từ thông tin này, thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã thanh tra và lấy một số mẫu kiểm nghiệm, kết quả sẽ có trong thời gian tới.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy một số mẫu cháo dinh dưỡng có chứa hóa chất không được phép sử dụng.
Giữa tháng 11, trong vai một người đang muốn xây dựng thương hiệu cháo dinh dưỡng trên thị trường, chúng tôi đã hẹn gặp một nhân viên chuyên cung cấp các loại hóa chất của Công ty P, Q.Tân Bình, TP.HCM để nhờ hỗ trợ. Nhân viên tên N. này kể anh thường xuyên giao các loại hóa chất cho một số cơ sở chế biến cháo dinh dưỡng có tiếng trên thị trường TP.HCM như cháo dinh dưỡng C, B, H…
Cháo để 3 ngày vẫn không thiu!
Anh N. cho biết các loại hóa chất có tác dụng không gây chua, tạo sánh, tạo hương vị… được nhiều cơ sở cháo dinh dưỡng sử dụng. Vừa nói N. vừa lấy trong chiếc cặp màu đen ra ba gói hóa chất để trên bàn và đề nghị chúng tôi mang về dùng thử. Chỉ vào hai gói hóa chất có tên sodium benzoate và potassium sorbate, N. giới thiệu cả hai loại hóa chất này đều có tác dụng giúp cháo lâu bị chua. Sodium benzoate có giá 50.000 đồng/kg, còn potassium sorbate giá cao hơn với 80.000 đồng/kg.
Theo N., cùng sử dụng những loại hóa chất này nhưng mỗi hãng cháo sẽ có một “bí quyết” pha chế riêng, do vậy liều lượng cho hóa chất vào cháo cũng chỉ để tham khảo. Thường N. hướng dẫn các cơ sở nên cho khoảng 1g hóa chất/kg cháo, nhưng với các cơ sở muốn bảo quản lâu hơn sẽ tăng thêm 2-3g. Những cơ sở sản xuất trong điều kiện vệ sinh kém cũng tăng liều lượng hóa chất này để cháo lâu chua hơn. N. khoe khi cho hóa chất này vào, các cơ sở cháo dinh dưỡng rất yên tâm vì cháo để 2-3 ngày ở nhiệt độ bình thường cũng vẫn thơm. Các cơ sở tha hồ vận chuyển mà không phải lo “hàng” bị hỏng.
Gói hóa chất còn lại là Xanthan Gum, N. bảo đây là chất tạo sánh. Khi dùng hóa chất này cho vào cháo thì dù cháo loãng mấy cũng trở lên đặc quánh. Chưa kể nhìn cháo rất bắt mắt, những chất đạm cho vào cháo như tôm, lươn, cá, cua… sẽ nổi bật trên nền cháo trắng.
Một ký hóa chất tạo sánh chỉ 50.000 đồng nhưng khi cho vào sẽ giúp các cơ sở chế biến giảm được một lượng gạo, tôm, cua, cá, thịt… đáng kể trong khi giá bán vẫn không đổi. N. còn kể tùy “bí quyết “của mỗi cơ sở chế biến cháo dinh dưỡng mà các cơ sở này sẽ cho thêm hóa chất tạo mùi để cháo tăng phần hấp dẫn. Theo N., hiện nay nhiều cơ sở sản xuất cháo dinh dưỡng tìm đủ mọi cách chế biến sao cho trẻ thích ăn cháo, ăn được nhiều và cơ sở thu được lợi nhuận cao.
Cháo dinh dưỡng nếu có chứa hóa chất sẽ rất có hại cho trẻ – Ảnh: N.C.T.
100% mẫu thử đều có hóa chất
Ngày 24-11, chúng tôi đã tìm mua bốn mẫu cháo dinh dưỡng trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Trong số này có ba mẫu được đóng gói và một mẫu được đựng trong hộp nhựa (cháo được nấu ngay tại quầy, có thể ăn tại chỗ).
Cụ thể gồm cháo dinh dưỡng C (loại cháo tôm, dạng đóng gói, ngày sản xuất 24-11, giá 5.000 đồng/gói), cháo dinh dưỡng C (loại cháo lươn, dạng đóng hộp, giá 15.000 đồng/hộp), cháo dinh dưỡng H (loại thập cẩm, dạng đóng gói, ngày sản xuất 24-11, giá 4.000 đồng/gói) và cháo dinh dưỡng H (loại cháo tôm, dạng đóng gói, ngày sản xuất 24-11, giá 4.000 đồng/gói). Trên bao bì của các loại cháo dạng đóng gói đều chỉ ghi các thành phần như gạo, nước xương, thịt heo, bí đỏ… chứ không ghi bất kỳ loại hóa chất nào.
Chúng tôi đã gửi những mẫu cháo này đến Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm (thuộc Sở Khoa học – công nghệ TP.HCM) để tìm hiểu xem những loại cháo này có chứa hóa chất sodium benzoate (tên tiếng Việt là natri benzoate) và potassium sorbate như lời nhân viên N. kể hay không. Kết quả kiểm nghiệm ngày 27-11 của trung tâm này cho thấy cả bốn mẫu cháo trên đều chứa hóa chất natri benzoate với hàm lượng 191,9-444,4mg/kg.
Cụ thể, cháo dinh dưỡng H loại thập cẩm và cháo dinh dưỡng H loại cháo tôm cùng chứa hóa chất này với hàm lượng 444,4mg/kg. Cháo dinh dưỡng C loại cháo tôm có hàm lượng 364,6mg/kg và cháo dinh dưỡng C loại cháo lươn có hàm lượng thấp nhất là 191,9mg/kg.
Thông báo kết quả kiểm nghiệm này với thanh tra Sở Y tế TP.HCM, ngày 29-11 ông Nguyễn Minh Hùng, chánh thanh tra sở, cho biết tuần qua thanh tra sở đã tiến hành thanh tra một số cơ sở chế biến cháo dinh dưỡng và đã lấy một số mẫu về xét nghiệm, kết quả sẽ có trong thời gian tới.
Trong khi đó một thanh tra viên Sở Y tế TP.HCM khẳng định trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng cho thực phẩm do Bộ Y tế ban hành, cháo dinh dưỡng không thuộc nhóm thực phẩm được sử dụng loại hóa chất này.
Trẻ chậm phát triển, học kém
Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm phía Nam – Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho rằng: trong thực phẩm có một số hóa chất, phụ gia được phép sử dụng để giữ hương vị và bảo quản được lâu. Tuy nhiên, đã là hóa chất thì cơ sở muốn được sử dụng phải xin phép để Bộ Y tế xác định nguồn gốc, liều lượng bao nhiêu, cho trong sản phẩm nào, thời gian bảo quản bao lâu, vì ngay cả các hóa chất được phép cho trong thực phẩm nếu dùng không đúng mục đích hoặc vượt quá liều lượng cho phép đều là những chất độc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo bác sĩ Ký, trẻ nhỏ rất nhạy cảm với các tác nhân bên ngoài, đặc biệt là các hóa chất, do vậy nếu cho hóa chất vào cháo sẽ làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa, lâu ngày trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, học kém. Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, cho rằng trẻ sử dụng các loại thực phẩm có chứa hóa chất trong thời gian dài dễ bị yếu gan, yếu thận. Đây còn là cơ hội phát sinh những bệnh về gan, thận ở trẻ.
Theo myeva.vn
Bình luận
Viết bình luận