Ngay cả khi phát hiện ra sỏi mà bệnh nhân không tuân theo chỉ định điều trị cũng dẫn đến các hậu quả nặng nề đáng tiếc. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin để sỏi niệu quản không trở thành mối nguy với sức khỏe.
Sỏi niệu quản là gì, vì sao bị sỏi niệu quản?
Nhiễm trùng đường tiết niệu là nguyên nhân chủ yếu gây sự lắng đọng, kết tủa khoáng chất tạo nên sỏi thận. Ngoài ra, các bệnh lý rối loạn chuyển hoá toàn thân khác (goutte, bệnh lý tuyến cận giáp...) cũng có thể gây sỏi thận. Khi sỏi thận di chuyển rơi xuống niệu quản, viên sỏi đó được gọi là sỏi niệu quản. Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, khi có hẹp niệu quản hoặc những bất thường tạo sự ứ đọng nước tiểu trong niệu quản có thể gây tích tụ tạo nên sỏi niệu quản.
Dấu hiệu bị sỏi niệu quản
Đau mỏi lưng có lan xuống bụng dưới hay bộ phận sinh dục là triệu chứng thường gặp. Đôi khi có rối loạn tiểu tiện với tiểu máu, tiểu nhiều lần, tiểu buốt... Trường hợp đặc biệt, điển hình là “cơn đau quặn thận cấp”, còn được gọi là “cơn đau bão thận” vì đây là cơn đau dữ dội, xuất hiện đột ngột khi sỏi di chuyển từ thận xuống niệu quản gây tắc làm tăng áp lực đột ngột trong thận.
Trường hợp điển hình: Cơn đau đột ngột, dữ dội, bắt đầu từ vùng thắt lưng sau đó lan ra phía trước theo đường dưới sườn tại rốn và xuống tận cơ quan sinh dục ngoài. Bệnh nhân phải gập đôi người cho đỡ đau, vã mồ hôi, mặt tái đi, lo lắng, sợ sệt. Có thể kèm theo nôn, buồn nôn và/hoặc đái máu. Các loại thuốc giảm đau thông thường không có tác dụng. Cơn đau tăng lên dữ dội nếu uống nước.
Nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng được áp dụng phổ biến gần như thay thế hoàn toàn mổ mở.
Trường hợp không điển hình: Cơn đau lưng nhẹ, thoáng qua dù không dùng thuốc. Nếu sỏi ở thấp gần bàng quang, bệnh nhân có thể có biểu hiện mót tiểu tiện nhiều lần nhưng chỉ đi được với số lượng ít hoặc không tiểu được; đái buốt hoặc chỉ đau tức nhẹ vùng bìu hay gốc dương vật hoặc vùng môi lớn nếu ở phụ nữ. Các trường hợp cơn đau quặn thận này dễ bị bỏ sót dẫn đến biến chứng, giãn thận niệu quản.
Cần lưu ý rằng ngay cả khi cơn đau quặn thận hết đau hoàn toàn cũng không có nghĩa là “bệnh” đã khỏi, cần được khẳng định có còn sỏi niệu quản hay không bằng chẩn đoán hình ảnh hoặc khi đã đái ra sỏi.
Trường hợp có biến chứng nhiễm trùng thể hiện với sốt cao, rét run phối hợp với đau lưng bên có sỏi.
Tuy nhiên, có thể gặp trường hợp hoàn toàn không có bất kỳ triệu chứng nào, việc phát hiện ra sỏi niệu quản chỉ hoàn toàn tình cờ qua siêu âm khi khám sức khoẻ toàn thân. Trên thực tế, khoảng 50% số người có sỏi nhưng không hề đau. Đây là “sỏi im lặng” - loại sỏi nguy hiểm nhất vì chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn đã biến chứng hoặc thận mất chức năng (thường phải cắt thận). Điều đáng chú ý là ngay cả khi đã phát hiện ra sỏi, bệnh nhân vẫn thường không tuân theo chỉ định can thiệp ngoại khoa của bác sĩ vì họ nghĩ đơn giản là không đau thì không cần điều trị dẫn đến các hậu quả nặng nề không đáng có!
Biến chứng có thể xảy ra
Giãn thận niệu quản, ứ nước thận niệu quản là hậu quả đầu tiên khi sỏi thận rơi xuống gây tắc niệu quản. Nếu không được xử lý sớm, tình trạng tắc niệu quản gây giãn nhu mô thận sẽ nặng nề, thậm chí mất nhu mô thận, khi đó, thận chỉ còn là một túi mỏng chứa nước tiểu.
Nhiễm trùng tiết niệu, ứ mủ thận, nhiễm trùng máu thậm chí tử vong.
Giảm chức năng, mất chức năng thận, suy thận.
Biến chứng nguy hiểm nhất là ứ mủ thận, nhiễm trùng máu gây tử vong hoặc mất chức năng thận gây suy thận.
Phương pháp điều trị
Điều trị nội khoa:
Thường được chỉ định với những sỏi niệu quản có thể dùng thuốc đẩy ra được qua đường tiểu tiện nếu có kích thước nhỏ hơn đường kính ống niệu quản (dưới 5mm). Tuy hiếm gặp nhưng có trường hợp có thể dùng thuốc làm tan sỏi - đó là sỏi có thành phần hóa học là cystine hay urat (goutte). Bên cạnh đó, còn dùng các thuốc để điều trị triệu chứng: giảm đau, chống nhiễm trùng...
Điều trị ngoại khoa:
Nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng: Là phương pháp can thiệp ngoại khoa ít xâm hại được sử dụng rất phổ biến trong điều trị sỏi thận niệu quản, sỏi bể thận, thậm chí sỏi đài trên và đặc biệt hữu hiệu trong cơn đau quặn thận do sỏi. Hiện nay, nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng được chỉ định thay thế cho hầu hết mổ mở.
Tán sỏi ngoài cơ thể: Là phương pháp chữa sỏi thận hiệu quả nhẹ nhàng nhất và rẻ nhất áp dụng cho những sỏi dưới 15mm. Tán sỏi ngoài cơ thể sử dụng sóng xung kích làm vỡ sỏi, sau đó những mảnh sỏi vụn sẽ phải tự thoát ra ngoài theo nước tiểu. Thời gian nằm viện nửa ngày. Về nguyên tắc, đây là phương pháp gián tiếp nên bên cạnh ưu điểm ít xâm hại, ít đau thì hiệu quả hết sỏi chỉ đạt từ 55 - 85% trong tổng số các trường hợp tán sỏi.
Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản: Chỉ định cho những sỏi niệu quản có kích thước lớn và ở 2/3 trên niệu quản. Phương pháp này tránh được đường rạch thành bụng lớn của mổ mở, tuy nhiên vẫn như mổ mở là bắt buộc phải rạch thành niệu quản để lấy sỏi - đây là 1 nguyên nhân có thể gây hẹp niệu quản sau mổ.
Mổ mở lấy sỏi: Đây là một phẫu thuật mang tính xâm hại cao do phải rạch cơ thành bụng, rạch niệu quản gây đau nhiều, nguy cơ nhiễm khuẩn cao, dễ gây biến chứng hẹp niệu quản và thời gian nằm viện kéo dài. Do vậy, mổ mở lấy sỏi niệu quản đang bị loại bỏ tại Việt Nam.
Lưu ý sau phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng
Nội soi niệu quản là một loại can thiệp ngoại khoa ít xâm hại, do vậy, diễn biến sau mổ rất nhẹ nhàng, không đau, không cần dùng thuốc. Thời gian nằm viện thông thường chỉ từ 12 - 24 giờ.
Lưu ý rằng trong nội soi niệu quản tán sỏi, bác sĩ luôn đặt thêm 1 ống thông chạy từ thận qua niệu quản xuống bàng quang (sonde JJ) để nước tiểu thông tốt và tránh hẹp niệu quản sau mổ. Thông thường, ống thông này sẽ được hẹn rút khoảng 2 tuần sau mổ. Nếu để quên không rút ống hoặc rút muộn sẽ gây hậu quả xấu do tạo thành sỏi bám đầy quanh ống thông rất nguy hiểm.
BS. Lê Sĩ Trung
Bình luận
Viết bình luận