Các bác sĩ cảnh báo thói quen sử dụng thuốc một cách tùy tiện, không theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến hậu quả khó lường cho người bệnh, thậm chí tử vong.
Tại Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai hiện đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân suy tuyến thượng thận mà nguyên nhân chính được xác định là do lạm dụng các thuốc chứa corticoid. Theo ước tính, tỉ lệ này lên đến 1/3 số ca nhập viện điều trị và có xu hướng ngày càng gia tăng.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân D.T.K (nữ, 61 tuổi, có địa chỉ ở Bắc Ninh) vào viện với biểu hiện mệt mỏi, gầy sút cân. Khoảng một tháng trước vào viện, bệnh nhân thấy mệt mỏi nhiều, ăn uống giảm, gầy sút 7kg/tháng. Khai thác tiền sử cho thấy, bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 phát hiện cách đây một năm, đang duy trì tiêm Insulin. Bệnh nhân có tình trạng đau khớp gối phải khoảng 10 năm nay, nhiều lần tiêm khớp không rõ thuốc và sử dụng thuốc nam, thuốc đông y dạng hoàn tán.
BS. Phạm Thị Lưu – Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thăm khám lâm sàng bệnh nhân K. thấy có biểu hiện kiểu hình Cushing với các đặc điểm điển hình như: Tóc mai xuống thấp, rối loạn phân bố mỡ, rạn da vùng bụng, da mỏng, dễ xuất huyết tại vị trí tiêm truyền… Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng chỉ ra rằng, nồng độ hormone tuyến thượng thận cortisol trong máu thấp, phản ánh tình trạng suy tuyến thượng thận.
Bệnh nhân được điều trị tích cực nhưng đến ngày thứ 7 nằm viện, bệnh nhân xuất hiện khối sưng nóng đỏ đau vùng mông phải. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân đái tháo đường type 2, nhọt vùng mông phải, suy thượng thận do dùng thuốc, hội chứng Cushing do thuốc.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai.
Trường hợp thứ 2, bệnh nhân N.T.H (nữ, 58 tuổi, có địa chỉ ở Hải Dương). Chị H. vào viện với lý do mệt mỏi nhiều, yếu nửa người trái. Bệnh nhân này cũng có thể trạng béo, kiểu hình Cushing rõ rệt với biểu hiện như: Teo cơ tứ chi, da mỏng, tóc mai mọc thấp, lông mày rậm… Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp 10 năm, suy thận 2 năm đang được điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân bị đau khớp gối 2 bên và cột sống thắt lưng 2-3 năm nay nên đã tự mua một loại thuốc thấp khớp gia truyền dạng viên hoàn uống hàng ngày.
Qua thăm khám và tiến hành làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có bệnh lý phối hợp rất phức tạp: Đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, bệnh thận mạn giai đoạn IV, nhồi máu não, suy thượng thận do thuốc, hội chứng Cushing do thuốc, thoái hóa khớp gối 2 bên, thoái hóa cột sống thắt lưng, loãng xương. Việc điều trị cho bệnh nhân rất khó khăn, song do được cứu chữa tích cực, tình trạng bệnh nhân có nhiều tiến triển tốt.
Cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ
Các bác sĩ cho biết, corticoid là thuốc dạng tổng hợp của hormone vỏ thượng thận, có tác dụng giảm đau, chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch được áp dụng điều trị trong rất nhiều bệnh lý khác nhau như: Khớp, dị ứng, bệnh lý đường hô hấp, da liễu… Và được sử dụng ở nhiều dạng khác nhau như: Thuốc tiêm truyền, dạng viên uống, dạng hít xịt, dạng bôi…
Trên thực tế, lại có nhiều trường hợp bệnh nhân khi gặp các vấn đề về sức khỏe đã tự mua thuốc về dùng, thấy hiệu quả tức thì sau khi uống thì đã dùng thường xuyên, chỉ đển khi có nhiều tác dụng không mong muốn mới đến gặp bác sĩ.
Ngoài ra, với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương và lo ngại sử dụng thuốc tây y kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe; đã có nhiều người bệnh bỏ điều trị và tìm đến các loại thuốc đông y, thuốc nam không rõ nguồn gốc vì cho rằng chúng “lành hơn” thuốc tây.
"Có đến trên 50% bệnh nhân không tuân thủ điều trị hoặc bỏ điều trị" - chuyên gia Nội tiết và Đái tháo đường cảnh báo.
Bệnh nhân biến đổi kiểu hình do lạm dụng corticoid: da mỏng, rạn da vùng bụng, rối loạn phân bố mỡ...
Theo BS. Phạm Thị Lưu, trong các loại thuốc trôi nổi trên thị trường đều không có nguồn gốc, thành phần rõ ràng và rất có thể đã bị trộn corticoid để có tác dụng nhanh chóng, khiến người bệnh tin tưởng. Tuy nhiên, sử dụng corticoid nếu không đúng chỉ định thường mang lại rất nhiều tác dụng bất lợi: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thay đổi kiểu hình Cushing, suy tuyến thượng thận, loét dạ dày, loãng xương, rối loạn điện giải, nhiễm trùng cơ hội… Người bệnh có xu hướng sử dụng kéo dài còn có tình trạng phụ thuộc vào corticoid: Khi giảm liều hoặc ngừng thuốc bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, chán ăn…
Các chuyên gia cũng cảnh báo, người bệnh dùng corticoid kéo dài sẽ ức chế các hoạt động của tuyến thượng thận. Khi đang dùng corticoid liều cao, kéo dài ngừng thuốc hoặc giảm liều đột ngột có thể dẫn đến triệu chứng suy tuyến thượng thận cấp với các biểu hiện: Tụt huyết áp, mệt, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức do rối loạn điện giải, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Suy tuyến thượng thận rất khó hồi phục như ban đầu vì đa số bệnh nhân lạm dụng corticoid trong thời gian dài, có bệnh nhân dùng đến 5-6 năm liên tục gây ức chế, teo tuyến thượng thận. Đây là điều hết sức đáng báo động. Do đó, chúng tôi đặc biệt khuyến cáo người dân cần tuân thủ liệu trình điều trị và chỉ dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc sử dụng đặc biệt các thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không tự chữa bệnh theo truyền miệng tránh gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe… BS. Lưu nhấn mạnh.
Nguồn Suckhoedoisong - Dương Hải
Bình luận
Viết bình luận