Hiện dịch cúm gia cầm H7N9 cực kỳ nguy hiểm (khiến 79 người tử vong, 192 người nhiễm bệnh ở Trung Quốc) đã áp sát biên giới nước ta. Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới... Tuy nhiên thực tế, việc mua bán, giết mổ, sử dụng thịt gia cầm tại nước ta vẫn diễn ra... bình thường, như chưa hề có cảnh báo.

Nguy cơ xảy ra dịch rất cao

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về tình hình dịch cúm A/H7N9 đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc từ tháng 10.2016 tới nay tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013 với 192 trường hợp mắc chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017.

Trả lời báo chí về sự nguy hiểm của dịch bệnh này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm: Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm mắc bệnh. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng từ người sang người. Do nước ta có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc, đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nơi đã ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, thêm vào đó việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát triệt để, Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập virus cúm A/H7N9 từ vùng có dịch rất cao.

Đồng thời, theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế (OIE), trong tháng 1.2017 đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng (Campuchia) là tỉnh có chung đường biên giới với nước ta. Vì vậy khả năng xâm nhập của dịch bệnh vào nước ta là rất cao.

Ngày 17.2, Bộ Y tế đã ký văn bản khẩn số 672/BYT-DP gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người. “Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo sở công Ttương, sở NNPTNT, Bộ Công an, Bộ đội biên phòng tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối” - Thứ trưởng Long cho biết.

Người dân vẫn rất chủ quan

Để biết thêm về tình hình nguồn gốc gia cầm được tiêu thụ và ý thức phòng, chống dịch cúm gia cầm của người dân hiện nay, nhóm PV đã khảo sát thị trường gia cầm ở Hà Nội trong ngày 19.2. Điểm nổi bật đó là người bán người mua vẫn tỏ ra rất chủ quan với dịch bệnh. “Gà ở đây được nhập ở nhiều nơi, nhiều giống lắm không kể hết, ví dụ như gà Đông Tảo thì nhập bên Văn Giang, rồi ở Bắc Ninh, Bắc Giang,… Không có gà Trung Quốc, toàn nhập gà của mình hết” - chị Lê Thị Toan (ở Thường Tín) chủ một cửa hàng trong chợ Hà Vỹ cho biết.

Chị Vũ Thị Mai (Hoàng Mai) cũng khẳng định: “Không hề có gia cầm Trung Quốc, chỉ có hàng Việt Nam. Được nhập từ các tỉnh trong nước, miền Nam, miền Trung có hết. Bây giờ chuyển từ trong Nam ra thiếu gì gà. Để phòng dịch bệnh phải chấp hành kiểm dịch đầy đủ, dịch thì mình là người chịu thiệt lớn nhất”. Mặc dù vậy, hầu hết những tiểu thương bán gia cầm vẫn rất lơ mơ về dịch cúm nguy hiểm H7N9.

Dọc phố Mai Dịch và len lỏi trong các trục đường nhỏ của các khu tập thể: Đồng Xa, Nghĩa Tân, Nghĩa Đô, Dịch Vọng.. (Cầu Giấy), hay tại các chợ “xổm” tại Cầu Diễn, Nguyễn Khang (Cầu Giấy), Thụy Khuê (Ba Đình) và một số chợ tạm khác, hàng chục lồng bán gia cầm bày công khai. Thực tế, sau khi xây thành chợ kiên cố, các chợ Bưởi, Đồng Xa, Cầu Giấy, Cửa Nam, Hàng Da… không cho phép bán gia cầm sống để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Giai đoạn đầu các tiểu thương chấp hành khá nghiêm túc, nhưng sau, gia cầm mổ sẵn không được người tiêu dùng ưa chuộng, nên nhiều tiểu thương đã chở gia cầm sống đi “bán dạo” tại các khu tập thể.

Qua ghi nhận của PV, hầu như các lồng gia cầm này không được kiểm dịch thực vật. Bản thân PV đã có mặt suốt tại một điểm bán gia cầm sống cạnh Trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc (Cầu Giấy - Hà Nội) cả sáng 19.2, nhưng không thấy bóng dáng của lực lượng kiểm dịch thú y đâu.

Theo Báo laodong.com.vn

Các bài viết khác

Bình luận

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên