Hiện nay đa số người dân Việt Nam đang ăn thừa muối. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ tới 9,4 gam muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Ăn thừa muối lại là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ngoài ra còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và nhiều rối loạn cho sức khỏe khác...
Phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống đã phỏng vấn TS Trần Quốc Bảo- Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xung quanh nội dung này?
TS Trần Quốc Bảo- Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng
PV: Xin ông cho biết thực trạng sử dụng muối hiện nay của người dân Việt Nam? Ông/bà có thể nêu ra một số quan niệm sai lầm phổ biến của người dân Việt Nam về việc sử dụng muối, cũng như những khuyến cáo từ các chuyên gia về các vấn đề đó không?
TS Trần Quốc Bảo: Có thể nói hiện nay hầu hết người Việt Nam đều ăn thừa muối. Theo kết quả cuộc Điều tra quốc gia năm 2015 cho thấy trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4 gam muối trong một ngày. Như vậy là mỗi người Việt Nam đã tiêu thụ lượng muối gần gấp đôi so với khuyến cáo là dưới 5gam/ngày.
Khác với các nước khác chủ yếu do người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn thì ở Việt Nam việc ăn thừa muối đa số là do thói quen cho muối, gia vị vào thực phẩm khi chế biến, nấu ăn và khi chấm, trộn muối, gia vị trong bữa ăn.
Cũng cần làm rõ khi nói từ muối hay ăn thừa muối ở đây thì được hiểu là để chỉ tất cả các loại gia vị, thực phẩm chứa nhiều natri chứ không chỉ riêng với muối ăn, ví dụ như bột canh, bột ngọt, nươc mắm , nước chấm, dưa, cà, thịt kho, thực phẩm đóng gói sẵn có nhiều muối…
Thông thường cảm giác ăn mặn có tính chất cảm tính, rất khó xác định. Vì vậy mặc dù hầu hết người dân Việt Nam ăn thừa muối nhưng chỉ số ít người cho rằng bản thân có ăn mặn.
Một vấn đề nữa là nhiều người cho rằng chỉ cần giảm ăn muối khi đang mắc bệnh thôi, còn người bình thường ăn nhiều muối không sao cả. Quan niệm này là chưa đúng vì bất kỳ ai nếu ăn thừa muối thì đều có nguy cơ với sức khỏe. Vì vậy người bình thường khỏe mạnh vẫn cần ăn giảm muối.
Một quan niệm sai nữa là nếu ăn giảm muối thì cơ thể sẽ bị thiếu muối. Thực tế người bình thường giảm ăn muối không làm cho cơ thể bị thiếu muối bởi vì mọi người chỉ cần ăn các thức ăn bình thường, thực phẩm tự nhiên hằng ngày là cũng đã cung cấp đầy đủ lượng natri cho cơ thể mà không cần cho thêm muối/gia vị vào thức ăn
PV: Xin ông cho biết một số ảnh hưởng lớn đến sức khỏe do thói quen ăn mặn?
TS Trần Quốc Bảo: Mặc dù muối rất cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn thừa muối lại gây tác hại cho sức khỏe. Ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác.
Ngoài ra ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xươngvà gây nhiều rối loạn cho sức khỏe khác
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5 gam muối/người/ngày để bảo vệ sức khỏe và phòng, chống các bệnh nêu trên.
PV: Cục Y tế Dự phòng đã có những hoat động gì để khuyến nghị người dân trong việc tiêu thụ muối hợp lý, thưa Ông?
TS Trần Quốc Bảo: Mục tiêu mà Việt Nam đặt ra là đến năm 2025 sẽ giảm 30% lượng muối tiêu thụ/người/ngày, tức là giảm từ 9,4g xuống còn dưới 7g muối/người/ngày
Thông điệp của chúng tôi là: Mỗi người hãy giảm một nửa lượng muối ăn vào hằng ngày để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.
Về mặt chính sách, năm 2018 Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác. Kế hoạch là cơ sở để các đơn vị, các địa phương tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch truyền thông giảm tiêu thụ muối.
Về hoạt động truyền thông, ngành y tế đang phối hợp với các ban ngành và tổ chức xã hội để triển khai các chương trình, chiến dịch truyền thông trên thông tin đại chúng, mạng xã hội và tại cộng đồng trên phạm vi toàn quốc, lồng ghép giữa truyền thông giảm muối với vận động, hướng dẫn người dân đi đo huyết áp, khám sức khỏe để phát hiện sớm bệnh tật.
Thông điệp truyền thông về giảm muối ăn hàng ngày
Cục Y tế dự phòng cũng đang phối hợp biên soạn các tài liệu hướng dẫn về thực hành chế độ ăn giảm muối cho các nhóm đối tượng khác nhau như cho người dân, cho trẻ em/học sinh, cho hộ gia đình, cho người bệnh vv để phổ biến, áp dụng.
Ngoài ra ngành y tế cũng đang phối hợp để rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách, quy định về giảm tiêu thụ muối và triển khai các chương trình can thiệp giảm muối trong trường học, tại cộng đồng, lồng ghép trong các hoạt động quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế xã
PV: Ông có thể cho biết, ngoài việc nâng cao nhận thức và kêu gọi sự chủ động giảm muối trong khẩu phần ăn từ người dân, Cục Y tế Dự Phòng có những kế hoạch phối hợp như thế nào với các Bộ, Ban ngành có liên quan để mở rộng sự lựa chọn tiêu dùng thực phẩm ít muối cho người dân?
TS Trần Quốc Bảo: Ngành Y tế đang phối hợp để có các chương trình, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giúp người dân ăn giảm muối bằng việc hợp tác, thực hiện các biện pháp như: giảm hàm lượng muối trong thực phẩm đối với một số loại thực phẩm bao gói sẵn; ap dụng các giải pháp khoa học công nghệ để sản xuất muối ít natri hoặc thay thế natri.
Ngoài ra, các cơ sở chế biến thức ăn sẵn và các nhà hàng có thể giúp người dân ăn giảm muối bằng cách cung cấp các thực phẩm, suất ăn giảm muối.
Hiện nay Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các bộ ngành liên quan để rà soát, đề xuất ban hành các chính sách, quy định về ghi thông tin dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm thực phẩm đóng gói, trong đó công bố hàm lương muối và khuyến nghị lượng muối tiêu thụ mỗi ngày để người tiêu dùng khi mua thực phẩm có cơ hội lựa chọn các thực phẩm giảm muối tốt cho sức khỏe.
PV: Xin trân trọng cảm ơn TS Trần Quốc Bảo!
Nguồn Suckhoedoisong - Thái Bình (thực hiện)
Bình luận
Viết bình luận