Thật bất ngờ: 100% mẫu cháo dinh dưỡng do Tuổi Trẻ gửi kiểm nghiệm đều có chứa hóa chất. Từ thông tin này, thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã thanh tra và lấy một số mẫu kiểm nghiệm, kết quả sẽ có trong thời gian tới.
Vì hám lợi, một số cơ sở sản xuất cháo dinh dưỡng đã thêm vào nhiều hóa chất, bất chấp sức khỏe của trẻ.
Giữa tháng 11, trong vai một người đang muốn xây dựng thương hiệu cháo dinh dưỡng trên thị trường, chúng tôi đã hẹn gặp một nhân viên chuyên cung cấp các loại hóa chất của Công ty P, Q.Tân Bình, TP.HCM để nhờ hỗ trợ. Nhân viên tên N. này kể anh thường xuyên giao các loại hóa chất cho một số cơ sở chế biến cháo dinh dưỡng có tiếng trên thị trường TP.HCM như cháo dinh dưỡng C, B, H…
Cháo để 3 ngày vẫn không thiu!
Anh N. cho biết các loại hóa chất có tác dụng không gây chua, tạo sánh, tạo hương vị… được nhiều cơ sở cháo dinh dưỡng sử dụng. Vừa nói N. vừa lấy trong chiếc cặp màu đen ra ba gói hóa chất để trên bàn và đề nghị chúng tôi mang về dùng thử. Chỉ vào hai gói hóa chất có tên sodium benzoate và potassium sorbate, N. giới thiệu cả hai loại hóa chất này đều có tác dụng giúp cháo lâu bị chua. Sodium benzoate có giá 50.000 đồng/kg, còn potassium sorbate giá cao hơn với 80.000 đồng/kg.
Theo N., cùng sử dụng những loại hóa chất này nhưng mỗi hãng cháo sẽ có một “bí quyết” pha chế riêng, do vậy liều lượng cho hóa chất vào cháo cũng chỉ để tham khảo. Thường N. hướng dẫn các cơ sở nên cho khoảng 1g hóa chất/kg cháo, nhưng với các cơ sở muốn bảo quản lâu hơn sẽ tăng thêm 2-3g. Những cơ sở sản xuất trong điều kiện vệ sinh kém cũng tăng liều lượng hóa chất này để cháo lâu chua hơn. N. khoe khi cho hóa chất này vào, các cơ sở cháo dinh dưỡng rất yên tâm vì cháo để 2-3 ngày ở nhiệt độ bình thường cũng vẫn thơm. Các cơ sở tha hồ vận chuyển mà không phải lo “hàng” bị hỏng.
Gói hóa chất còn lại là Xanthan Gum, N. bảo đây là chất tạo sánh. Khi dùng hóa chất này cho vào cháo thì dù cháo loãng mấy cũng trở lên đặc quánh. Chưa kể nhìn cháo rất bắt mắt, những chất đạm cho vào cháo như tôm, lươn, cá, cua… sẽ nổi bật trên nền cháo trắng.
Một ký hóa chất tạo sánh chỉ 50.000 đồng nhưng khi cho vào sẽ giúp các cơ sở chế biến giảm được một lượng gạo, tôm, cua, cá, thịt… đáng kể trong khi giá bán vẫn không đổi. N. còn kể tùy “bí quyết “của mỗi cơ sở chế biến cháo dinh dưỡng mà các cơ sở này sẽ cho thêm hóa chất tạo mùi để cháo tăng phần hấp dẫn. Theo N., hiện nay nhiều cơ sở sản xuất cháo dinh dưỡng tìm đủ mọi cách chế biến sao cho trẻ thích ăn cháo, ăn được nhiều và cơ sở thu được lợi nhuận cao.
Cháo dinh dưỡng nếu có chứa hóa chất sẽ rất có hại cho trẻ – Ảnh: N.C.T. 100% mẫu thử đều có hóa chất
Ngày 24-11, chúng tôi đã tìm mua bốn mẫu cháo dinh dưỡng trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Trong số này có ba mẫu được đóng gói và một mẫu được đựng trong hộp nhựa (cháo được nấu ngay tại quầy, có thể ăn tại chỗ).
Cụ thể gồm cháo dinh dưỡng C (loại cháo tôm, dạng đóng gói, ngày sản xuất 24-11, giá 5.000 đồng/gói), cháo dinh dưỡng C (loại cháo lươn, dạng đóng hộp, giá 15.000 đồng/hộp), cháo dinh dưỡng H (loại thập cẩm, dạng đóng gói, ngày sản xuất 24-11, giá 4.000 đồng/gói) và cháo dinh dưỡng H (loại cháo tôm, dạng đóng gói, ngày sản xuất 24-11, giá 4.000 đồng/gói). Trên bao bì của các loại cháo dạng đóng gói đều chỉ ghi các thành phần như gạo, nước xương, thịt heo, bí đỏ… chứ không ghi bất kỳ loại hóa chất nào.
Chúng tôi đã gửi những mẫu cháo này đến Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm (thuộc Sở Khoa học – công nghệ TP.HCM) để tìm hiểu xem những loại cháo này có chứa hóa chất sodium benzoate (tên tiếng Việt là natri benzoate) và potassium sorbate như lời nhân viên N. kể hay không. Kết quả kiểm nghiệm ngày 27-11 của trung tâm này cho thấy cả bốn mẫu cháo trên đều chứa hóa chất natri benzoate với hàm lượng 191,9-444,4mg/kg.
Cụ thể, cháo dinh dưỡng H loại thập cẩm và cháo dinh dưỡng H loại cháo tôm cùng chứa hóa chất này với hàm lượng 444,4mg/kg. Cháo dinh dưỡng C loại cháo tôm có hàm lượng 364,6mg/kg và cháo dinh dưỡng C loại cháo lươn có hàm lượng thấp nhất là 191,9mg/kg.
Thông báo kết quả kiểm nghiệm này với thanh tra Sở Y tế TP.HCM, ngày 29-11 ông Nguyễn Minh Hùng, chánh thanh tra sở, cho biết tuần qua thanh tra sở đã tiến hành thanh tra một số cơ sở chế biến cháo dinh dưỡng và đã lấy một số mẫu về xét nghiệm, kết quả sẽ có trong thời gian tới.
Trong khi đó một thanh tra viên Sở Y tế TP.HCM khẳng định trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng cho thực phẩm do Bộ Y tế ban hành, cháo dinh dưỡng không thuộc nhóm thực phẩm được sử dụng loại hóa chất này.
Trẻ chậm phát triển, học kém
Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm phía Nam – Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho rằng: trong thực phẩm có một số hóa chất, phụ gia được phép sử dụng để giữ hương vị và bảo quản được lâu. Tuy nhiên, đã là hóa chất thì cơ sở muốn được sử dụng phải xin phép để Bộ Y tế xác định nguồn gốc, liều lượng bao nhiêu, cho trong sản phẩm nào, thời gian bảo quản bao lâu, vì ngay cả các hóa chất được phép cho trong thực phẩm nếu dùng không đúng mục đích hoặc vượt quá liều lượng cho phép đều là những chất độc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo bác sĩ Ký, trẻ nhỏ rất nhạy cảm với các tác nhân bên ngoài, đặc biệt là các hóa chất, do vậy nếu cho hóa chất vào cháo sẽ làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa, lâu ngày trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, học kém. Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, cho rằng trẻ sử dụng các loại thực phẩm có chứa hóa chất trong thời gian dài dễ bị yếu gan, yếu thận. Đây còn là cơ hội phát sinh những bệnh về gan, thận ở trẻ.
Ý kiến bạn đọc:
Giật mình với “cháo suy dinh dưỡng”
* Tôi cũng có con nhỏ và nghe cháo dinh dưỡng dùng hóa chất, tôi thật sự bức xúc. Tôi đã từng làm 1 công ty bán hóa chất tôi biết hàng không được bảo quản tốt, còn bị biến đổi màu, hàng hết đát, đa số bán lẻ hàng không còn đảm bảo. Tôi nghĩ nên xử phạt nặng đơn vị làm ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ thơ
Cám ơn bạn Thùy Dương đã vạch ra “cháo dinh dưỡng” lại là “cháo suy dinh dưỡng” độc hại cho trẻ em. Qua bài viết này tôi mong các anh chị ở các Trung tâm phân tích thí nghiệm thường xuyên lấy các loại nước uống – thực phẩm dùng hàng ngày phân tích xem. Như vậy tôi nghĩ bất cứ nhà sản xuất nào cũng không dám lộng hành. Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng cách đây khoảng 6 năm có bài báo nói về hai sinh viên ở Châu âu thực tập thí nghiệm vì tò mò nước uống – thức ăn mình đang dùng có những gì rồi đem vào thử phân tích thì phát hiện có chứa chất độc hại. Dù là vô tình nhưng mang lại sự an toàn cho biết bao nhiêu người. Mỗi người trong chúng ta ý thức một ít thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều!
Tôi thật sự giật mình với cháo dinh dưỡng, mong quý cơ quan chức năng làm thật rõ những chuyện như thế này. Là một người mẹ có con nhỏ 14 tháng, tôi ít khi cho con ăn cháo dinh dưỡng nhưng thật sự phẫn nộ trước những người chủ kinh doanh vì lợi nhuận mà không nghĩ tới sức khỏe con người, mà đó lại là trẻ em.
Ngày cuối tuần, tôi đưa con về ngoại chơi, định mua cháo dinh dưỡng C. cho con ăn sáng, khi tôi đến chỗ bán cháo dinh dưỡng ở đường số 15, P,Tân Kiểng, Quận 7, tôi bước vào mua thì 1 bên là bán cháo, còn cách đó 10m là nuôi heo, tôi đành không mua.
Tôi rất mong các cơ quan chức năng sẽ có câu trả lời sớm trong việc này, để bảo vệ quyền lợi cho các cha mẹ đang có con nhỏ, nhất là ở các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, đa số là ăn cháo dinh dưỡng khi điều trị bệnh tại đó.
Tôi thật bất bình khi đọc bài “Giật mình với cháo dinh dưỡng”. Tôi không hiểu các cơ quan chức năng làm việc như thế nào để khi một sự việc diễn ra một thời gian khá lâu thì mới phát hiện những cơ sở sản xuất kinh doanh có những việc làm sai trái.
Thời gian để phụ huynh chăm sóc bữa ăn cho trẻ mất nhiều thời gian, do vậy chúng tôi lựa chọn cách ban ngày chúng tôi cho trẻ ăn thức ăn nấu sẵn như cháo dinh dưỡng, nhưng những loại thức ăn này phải có thương hiệu, nhãn hiệu hẳn hoi. Nhưng nay lại xảy ra sự việc như thế này, tôi không biết phải trách ai.
Các cơ sở, công ty chế biến cháo dinh dưỡng có tiếng còn dùng nhiều “chiêu” như vậy thì các “xe cháo dinh dưỡng” lề đường sẽ ra sao, có ai kiểm tra, quản lý …hay không?
Trước đây trước nhà tôi có xe cháo dinh dưỡng mà người bán tự chế biến không ai quản lý cả, thấy gần nhà nên tôi cho bé nhà tôi ăn, sau một thời gian cháu không thèm ăn nữa và cũng thấy cách chế biến không vệ sinh nên tôi cho cháu ăn cháo dinh dưỡng C. Giờ tôi cũng không biết nên cho con ăn thứ gì đây.
Vì lợi nhuận trước mắt mà các cơ sở sản xuất cháo dinh dưỡng quên đi mình đang phục vụ, nuôi dưỡng “tương lai của đất nước”, trẻ em như tờ giấy trắng gia đình và xã hội phải quan tâm nuôi dạy tốt mới mong có con người tốt, xã hội tốt. Điều quan trong ở đây là cơ quan có thẩm quyền thiếu trách nhiệm, chỉ cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm một lần rồi sau đó các cơ sở muốn làm gì tùy thích…mà không theo dõi, quản lý xem nó có tác động thế nào đến xã hội.
Kinh hoàng cháo dinh dưỡng! Tôi cũng là một người mẹ có con nhỏ. Thật buồn khi đọc được thông tin trên. Mong các nhà chức trách nghiêm tay trừng trị những kẻ như vậy.
Theo Tuổi Trẻ Online
Bình luận
Viết bình luận