Hàng “xách tay” theo quy định là chỉ được dùng cá nhân, không được bán.
Tuy nhiên hiện nay, các tài khoản trên mạng xã hội rao bán thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ “xách tay” từ nước ngoài khá phổ biến...
Theo ông Phạm Hưng Củng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam, Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển TPCN với hơn 4.000 thảo dược, 9.000 cây làm thực phẩm truyền thống. Do vậy, thị trường trong nước cũng đang chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của các cơ sở sản xuất TPCN cũng như các loại sản phẩm. Nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, thì đến nay cả nước đã có tới 4.190 DN tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN.
Thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được rao bán là hàng xách tay trên mạng (ảnh minh họa).
Sự phát triển “thần tốc” này khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN thêm khó khăn. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.
Các chuyên gia cho hay, các loại thuốc nói chung và TPCN nói riêng đều có khuyến cáo không thích hợp với một số đối tượng như tăng huyết áp, suy gan, suy thận... Do đó, nếu ai mắc một chứng bệnh mạn tính, cần đọc kỹ khuyến cáo trước khi mua TPCN. Cũng theo chuyên gia này, một số loại thực phẩm chức năng sẽ bị giảm tác dụng khi dùng cùng lúc với các loại thuốc khác. Chính vì thế, trước khi muốn sử dụng TPCN cùng với loại thuốc khác, nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hàng “xách tay” không phải lúc nào cũng được như ý vì ngay cả người bán cho mình cũng không rành rẽ. Họ chỉ thấy thị trường có nhu cầu thì mang về, còn nguồn không được xác định, không có hướng dẫn sử dụng, tư vấn. Đã có nhiều người tiêu dùng vì muốn giảm béo nhanh, sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là dùng các nguồn hàng “xách tay”, dùng tăng liều không theo hướng dẫn sử dụng dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng như: rối loạn tâm thần, mất trí nhớ, ảnh hưởng đến gan, thận...
Về phía Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam, ông Vũ Thiện Vương - Phó Chủ tịch cho rằng, người tiêu dùng cần có kiến thức để phân biệt TPCN chính hãng và hàng giả, hàng nhái. Cách phân biệt phổ biến nhất là qua mã vạch. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần quét mã UPC của TPCN, các thông tin của sản phẩm sẽ hiện ra rõ ràng; Màu sắc hình ảnh trên bao bì. Sản phẩm chính hãng sẽ có tem chống hàng giả. Nếu là hàng chính hãng nhập khẩu có tem phụ ghi rõ đơn vị nhập khẩu và tem chống hàng giả do Bộ Công an cấp.
Trước thực tế hiện nay có nhiều tài khoản cá nhân rao bán các sản phẩm chức năng với nhãn mác “hàng xách tay từ nước ngoài, đảm bảo uy tín chất lượng”, nhưng chất lượng thực sự của sản phẩm và công dụng của nó thì chưa thấy cơ quan nào đứng ra kiểm chứng.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, hiện nay, pháp luật quy định, các loại thực phẩm nhập khẩu vào cần phải công bố thông tin với cơ quan quản lý và phải có người đứng ra chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cùng sự giám sát của cơ quan chuyên môn. Hơn nữa, hàng xách tay, theo luật pháp là chỉ được dùng cá nhân, không được bán.
Vì vậy, người dân không nên mua sản phẩm được tuyên truyền là hàng “xách tay”. Nếu người dân sử dụng các sản phẩm chức năng, sản phẩm bảo vệ sức khoẻ được quảng cáo là hàng “xách tay”, nếu xảy ra vấn đề về chất lượng sản phẩm thì cơ quan chức năng không thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm do chưa đăng ký.
Nguồn Suckhoedoisong - Mai Lan
Bình luận
Viết bình luận