Thai chết lưu là tình trạng thai nhi đã chết trong bụng mẹ trước khi được sinh ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ, nếu thai nhi chết trước tuần thứ 20 của thai kỳ được gọi là sẩy thai.

Trước thông tin trường hợp sản phụ sinh con tại Bệnh viện huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh có thai nhi bị tử vong. Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Tĩnh đã kiểm tra, xác nhận đây là trường hợp thai chết lưu trước khi sản phụ sinh con. Cần hiểu rõ về tình trạng thai chết lưu để cảnh báo các trường hợp tương tự ở các cơ sở y tế.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh gửi Bộ Y tế, hội đồng chuyên môn tại đây xác định trường hợp thai nhi bị tử vong do thai đã chết lưu trước đó với các dấu hiệu biểu hiện của thai nhi sau khi sổ thai được ghi nhận là: “Da đầu bị bong trợt; da bàn tay, bàn chân bị bong tróc, phồng rộp; da bụng, da bìu bị bong trợt; hình ảnh của thai chết lưu 7 ngày”. Do thực hiện biện pháp can thiệp bằng thủ thuật sản khoa trong chuyển dạ để đưa thai nhi ra ngoài đã làm cho thai nhi bị tổn thương thêm. Từ vấn đề này, cần hiểu rõ về các trường hợp thai chết lưu.

Nguyên nhân thai chết lưu

Thai chết lưu là tình trạng thai nhi đã chết trong bụng mẹ trước khi được sinh ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ, nếu thai nhi chết trước tuần thứ 20 của thai kỳ được gọi là sẩy thai.

can-hieu-ro-ve-thai-chet-luu-1Siêu âm thai thường cho kết quả chính xác, giúp chẩn đoán sớm và chắc chắn

Nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu bao gồm:

- Dị tật bẩm sinh có hoặc không có kèm theo bất thường về nhiễm sắc thể.

- Dây rốn bất thường với tình trạng sa dây rốn ra khỏi âm đạo trước khi trẻ được sinh ra,  ngăn chặn việc cung cấp oxy trước khi trẻ có thể tự thở.

- Dây rốn thắt nút, quấn chặt quanh tay chân hoặc cổ của trẻ trước khi sổ thai.

- Nhau thai nuôi dưỡng thai nhi bất thường, bị bong tách khỏi thành tử cung quá sớm.

- Bệnh lý của người mẹ như đái tháo đường, tăng huyết áp; đặc biệt tăng huyết áp do mang thai, tiền sản giật.

- Thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung và có nguy cơ tử vong do thiếu dinh dưỡng.

- Suy dinh dưỡng bào thai làm thai nhi chậm phát triển trong tử cung, có nguy cơ tử vong cao, gặp nhiều biến chứng trong thai kỳ trước và sau khi sinh.

- Nhiễm trùng thai kỳ trước tuần thứ 28, nếu mẹ hoặc thai nhi bị các bệnh nhiễm trùng như ban đỏ, nhiễm khuẩn cấp tính, cytomegalovirus, listeriosis và giang mai nhiều nguy cơ thai bị chết lưu.

 - Tiếp xúc với các tác nhân môi trường như thuốc trừ sâu hoặc carbon monoxide.

- Cá nhân hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh lý đông máu như huyết khối, viêm tĩnh mạch huyết khối hoặc thuyên tắc phổi.

- Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như căng thẳng về tài chính, thay đổi cảm xúc, stress trong thời kỳ mang thai; hút thuốc lá hoặc cần sa làm tăng nguy cơ thai chết lưu gấp hai hoặc ba lần so với người bình thường...

Thai chết lưu có biểu hiện thế nào

Để phát hiện thai chết lưu, cả người phụ nữ mang thai và cơ sở y tế đều phải lưu ý đến các biểu hiện quan trọng bao gồm: 

- Cử động thai nhi giảm, người mẹ không còn cảm nhận thai nhi cử động sau 28 tuần vì chuyển động của thai nhi là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển khỏe mạnh.

Cử động sẽ tăng dần trong suốt thai kỳ đến khi thai được 32 tuần tuổi rồi giữ nguyên cho đến khi sinh; người mẹ có thể kiểm tra cử động thai nhi bằng cách đếm số lần thai nhi cử động vào cùng một thời điểm trong ngày bắt đầu khoảng từ tuần thai thứ 28 và tìm ra mức độ di chuyển trung bình của thai nhi; nếu số lần thai nhi cử động thay đổi hoặc nếu không thể cảm nhận thai nhi di chuyển ít nhất 10 lần trong vòng hai giờ nên đến bệnh viện để được kiểm tra.

- Tim thai bất thường lúc siêu âm, không còn nghe thấy tim thai.

- Các dấu hiệu mang thai bình thường như ốm nghén, thèm ăn giảm sút.

- Bụng co cứng, nặng nề.

- Xuất huyết âm đạo.

- Vú tự động tiết sữa non, bầu vú không còn căng. 

    - Vỡ nước ối bất ngờ dù chưa có dấu hiệu chuyển dạ, chóng mặt, sốt cao, đau lưng dữ dội, chuột rút...

    Với những nguyên nhân đã nêu ở trên, thai chết lưu có thể ảnh hưởng đến bất kỳ người phụ nữ mang thai nào nhưng cần lưu ý đến các yếu tố làm tăng nguy cơ này như: đã từng bị thai chết lưu, sử dụng nhiều rượu bia hoặc ma túy, hút thuốc lá hoặc thuốc lào, thừa cân béo phì, phụ nữ dưới 15 tuổi hoặc trên 35 tuổi.

    Chẩn đoán xác định thai chết lưu

    Để chẩn đoán xác định thai chết lưu, phải thực hiện đầy đủ quy định về khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Khám lâm sàng thấy tử cung nhỏ hơn so với tuổi thai, đặc biệt dấu hiệu này có giá trị nếu thấy chiều cao tử cung giảm giữa hai lần đo; khó sờ nắn thấy các phần thai, nghe tim thai bằng dụng cụ Doppler cầm tay không phát hiện tiếng tim thai.

    Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán xác định như: Siêu âm thai thường cho kết quả chính xác, giúp chẩn đoán sớm và chắc chắn với các dấu hiệu không thấy hoạt động của tim thai, đầu thai méo mó, có thể thấy hiện tượng chồng khớp sọ hay dấu hiệu hai vòng ở xương sọ do da đầu bị bong ra, nước ối ít hay hết ối.

    Định lượng fibrinogen trong máu để đánh giá ảnh hưởng của thai đến quá trình đông máu, đây là xét nghiệm quan trọng và cần thiết trước khi xử trí can thiệp lấy thai nhi ra. Có thể thực hiện thêm xét nghiệm cần thiết để tìm nguyên nhân gây thai chết lưu tùy theo từng trường hợp khác nhau.

    Như vậy thai chết lưu là thai chết và lưu lại trong buồng tử cung của người mẹ và có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi thai nào khi chưa có sự chuyển dạ. Việc chẩn đoán cần căn cứ vào các dấu hiệu chính là tử cung sản phụ có thể nhỏ hơn tuổi thai, không nghe thấy tim thai và siêu âm không thấy hoạt động tim thai, có thể thấy dấu hiệu chồng xương sọ, thai không cử động.

    Từ trường hợp thai chết lưu

    Theo thông tin trên Báo Sức khỏe & Đời sống, hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Tĩnh đánh giá về trường hợp sự cố y khoa thai chết lưu xảy ra vừa qua tại Bệnh viện huyện Đức Thọ có nội dung: việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của nhóm trực không thực hiện đúng quy trình của Bộ Y tế nên không phát hiện thai chết lưu trước khi vào bệnh viện; sản phụ không được chỉ định siêu âm thai nên không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi, nữ hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai chết lưu.

    Sản phụ vào bệnh viện khoảng 9g30 ngày 30/6/2019 vì đau dụng, có dấu hiệu chuyển dạ với thai 35 tuần, các xét nghiệm cơ bản về máu và nước tiểu trong giới hạn bình thường nhưng không chỉ định siêu âm thai. Đến 18g35 cùng ngày (sau 9 giờ 5 phút) khám không phát hiện tiếng tim thai, cơn co tử cung tần số 5/50 giây, cổ tử cung mở hết, ối vỡ, nước ối có màu xanh, đầu lọt, nữ hộ sinh tiến hành đỡ đẻ ngôi đầu nhưng thế thai không xoay nên báo cáo lãnh đạo và bác sĩ sản khoa đến thực hiện đỡ đẻ ngôi đầu; tuy nhiên khi mới kéo nhẹ đầu thai nhi bị đứt, bác sĩ phải thao tác lấy phần thân thai ra; sau khi quan sát và đánh giá, phần đầu và thân của thai nhi được khâu lại, chụp ảnh và thông báo, giải thích cho người nhà của sản phụ.

    Qua hình ảnh cho thấy thai nhi có da đầu bị bong trợt; da bàn tay, bàn chân bị bong tróc, phồng rộp; da bụng, da bìu bị bong trợt; sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia sản khoa qua hình ảnh đã nhận định thai chết lưu trên 7 ngày. Sau khi sổ thai, nhau thai sổ tự nhiên, tầng sinh môn phù nề nhẹ và có rách 1cm; tiến hành kiểm soát tử cung và khâu lại tầng sinh môn. Đây là thông tin chính thức được xác định.

    Một thông tin khác từ một nữ hộ sinh ở bệnh viện, quá trình vào chờ sinh sản phụ được thăm khám, nghe tim thai 3 lần vào lúc 9g39, 12g và 15g; cả 3 lần tim thai đều đập bình thường, dao động từ 118 - 130 lần/phút. Vấn đề này cần được xem xét, đánh giá lại có thực sự như vậy không hay do sự nhầm lẫn hoặc do tắc trách công việc; nữ hộ sinh không nói rõ phương pháp nghe tim thai, nghe bằng dụng cụ nghe tim thai Doppler cầm tay hay ống nghe thông thường; hội đồng chuyên môn đã căn cứ vào thực trạng tình hình của thai nhi sau khi sổ thai xác định thai chết lưu trên 7 ngày, không thể nghe tim thai được như thông tin của nữ hộ sinh này đã cung cấp.

    Về vấn đề tổn thương của thai nhi bị kéo đứt đầu, nếu thai chết lưu trong tử cung lâu ngày, các phần cơ thể của thai nhi sẽ bị hoại tử, mềm nhũn nên chỉ cần một lực kéo vừa phải, các phần của thai nhi có thể dễ dàng bị đứt rời như trong báo cáo của hội đồng chuyên môn đã đánh giá. Ở đây có thêm tình huống là sản phụ sinh ngôi đầu nhưng thế thai không xoay nên mặc dù đầu thai đã lọt ra ngoài, có thể thân thai bị kẹt lại phần vai ở bên trong làm cho lực kéo khi thao tác can thiệp sẽ tăng, gây tác động ảnh hưởng thêm trên phần cổ của thai nhi vốn đã bị mềm yếu do thai chết lưu nên dễ bị đứt rời.

    can-hieu-ro-ve-thai-chet-luu-2Bảo đảm cân nặng hợp lý trong thời kỳ mang thai

    Phòng ngừa thai chết lưu

    Để phòng ngừa thai chết lưu, trong thời kỳ mang thai sản phụ phải đi khám sức khỏe tổng quát để sớm phát hiện và điều trị các vấn đề có thể gây ảnh hưởng xấu lên quá trình mang thai, điều trị các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp... và duy trì cân nặng hợp lý.

    Trong suốt quá trình mang thai, để giảm thiểu khả năng dẫn đến tình trạng thai chết lưu sản phụ mang thai cần thực hiện các vấn đề có liên quan như:

    - Tránh uống rượu bia và hút thuốc lá trong suốt thời kỳ mang thai vì những chất có trong rượu bia và thuốc lá có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, gây sẩy thai và thai chết lưu.

    - Chú ý đến những dấu hiệu tiền sản, đếm cử động thai để có thể theo dõi sự phát triển của thai nhi tốt nhất.

    - Bảo đảm cân nặng hợp lý trong thời kỳ mang thai.

    - Bảo vệ bản thân, tránh nhiễm trùng và hạn chế các loại thực phẩm nghi ngờ về chất lượng hay hạn sử dụng.

    - Thông báo với bác sĩ nếu có các dấu hiệu thai chết lưu như xuất huyết âm đạo bất thường hoặc cơn đau bụng bất thường trong ngày.

    - Đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ một tình trạng dị ứng hoặc khó khăn nào khác trong quá trình mang thai.

    - Khám thai định kỳ đầy đủ để theo dõi sự phát triển và sức khỏe của thai nhi.

    - Thực hiện lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý.

    - Tăng lượng hấp thu acid folic khi mang thai để có thể làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh. Cẩn thận khi đi lại để tránh tai nạn ngã té, tránh mang giày cao gót và nên đeo dây an toàn khi đi bằng xe ô tô.

    Vấn đề cần quan tâm và cảnh báo

    Qua thông tin chính thức được xác định ở trên, đây là trường hợp thai chết lưu nhưng bệnh viện không phát hiện tình trạng kịp thời, không thực hiện đúng quy trình và đầy đủ các yêu cầu cần thiết của việc chẩn đoán thai chết lưu, đặc biệt là không chỉ định siêu âm thai để có kết luận chính xác. Điều này đã dẫn đến việc bệnh viện không thông báo, giải thích rõ ràng, cụ thể cho người thân của sản phụ về tình trạng thai chết lưu để biết và chuẩn bị tâm lý trước tình hình; đồng thời việc xử trí can thiệp tình huống cũng gặp nhiều lúng túng dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. Vì vậy đây là vấn đề cần cảnh báo về một sự cố y khoa nghiêm trọng đã gặp phải để các cơ sở y tế quan tâm, lưu ý nhằm chủ động ngăn ngừa những trường hợp khác tương tự.

    BS. NGUYỄN HOÀNG ANH

    Các bài viết khác

    Bình luận

    Viết bình luận

    Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên