Phạm Hương Lan (Thái Nguyên)
Nấm Candida bình thường vẫn tồn tại trên cơ thể, không xâm lấn gây bệnh nhưng do miệng trẻ có độ pH thấp thuận lợi cho nấm phát triển nên bệnh nấm miệng khá thường gặp ở trẻ. Một số yếu tố thuận lợi khác khiến nấm Candida tấn công trẻ là vệ sinh răng miệng kém, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ sử dụng kháng sinh kéo dài... Để điều trị bệnh lý này, thuốc kháng nấm nystatin được sử dụng rộng rãi do có thể sử dụng dài ngày mà không gây kháng. Đối với trẻ nhỏ như con chị, có thể sử dụng thuốc nystatin để rơ miệng như chỉ định của bác sĩ. Trong thư chị không nói rõ bác sĩ kê đơn nystatin cho chị dưới dạng bột hay viên nén nhưng dù ở hai dạng bào chế này thì để thực hiện, trước tiên, chị cần hòa tan thuốc vào khoảng 10ml nước đun sôi để nguội, cần chú ý là chỉ pha thuốc cho một lần sử dụng. Sau đó dùng gạc rơ lưỡi rơ phần miệng cho con tại tất cả những phần có mảng trắng.
Tuy nhiên, rơ miệng có thể khiến trẻ nôn trớ do vậy chị nên thực hiện khi trẻ đói là tốt nhất. Trong quá trình rơ miệng, chị cần vệ sinh tay sạch sẽ, lấy miếng gạc rơ miệng quấn quanh ngón tay (tùy thuộc vào độ tuổi của bé để chị chọn ngón tay phù hợp với độ rộng của miệng trẻ) rồi nhúng trong nước đun sôi để nguội giúp làm mềm miếng gạc và tránh ma sát làm đau bé. Chị dùng miệng gạc đó thấm thuốc chống nấm nystatin đã được pha và rơ miệng cho trẻ theo thứ tự hai bên má trước, vùng khẩu miệng và lưỡi sau cùng từ ngoài vào trong để giảm nguy cơ nôn trớ nếu cháu bị nấm miệng nhiều. Sau khi rơ miệng 20 phút mới được cho trẻ ăn hoặc bú.
Ngoài ra, chị cần chú ý nếu điều trị bằng nystatin đã hết các triệu chứng của nấm thì vẫn phải tiếp tục dùng thuốc ít nhất 48 giờ sau đó. Nếu đã điều trị đúng cách và đủ liều mà nấm miệng ở trẻ vẫn kéo dài hoặc tái phát thì bé có thể bị tái lây nhiễm từ các dụng cụ sinh hoạt có nhiễm nấm Candida chưa được làm sạch hoặc thay thế như núm vú giả, bàn chải và đồ chơi... thì chị cần đưa trẻ đi khám lại để được bác sĩ tư vấn và có biện pháp xử trí phù hợp.
BS. Trịnh Văn Tùng
Bình luận
Viết bình luận