Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) dạ dày là gì ?
Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là nguyên nhân chủ yếu gây loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày cấp và mạn, ung thư dạ dày. Tỷ lệ nhiễm chung của người Việt Nam khoảng 70% và chỉ 1-2% số người bị nhiễm HP bị loét dạ dày tá tràng.
Vì vậy, việc thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn HP dạ dày là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe dạ dày cũng như phòng tránh các biến chứng trong tương lai.
Có nhiều phương pháp khác nhau để tiến hành xét nghiệm nhiễm khuẩn HP dạ dày. Mỗi phương pháp có ưu nhược điểm khác nhau, và tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất ở mỗi cơ sở y tế mà phương pháp nào được lựa chọn cho người bệnh. Chúng tôi tổng hợp các phương pháp phổ biến xét nghiệm HP dạ dày dưới đây để bệnh nhân tham khảo, tìm hiểu và lựa chọn khi cần.
1. Nội soi dạ dày xét nghiệm HP
Xét nghiệm urease nhanh. Dựa trên cơ sở vi khuẩn H. pylori tiết ra nhiều men urease làm phân hủy urea thành ammoniac và carbon dioxide (CO2) làm cho môi trường trở nên kiềm. Dùng urea-indol để thử, từ màu vàng sẽ chuyển sang màu hồng tím khi H.pylori dương tính.
Mô học. Bệnh phẩm được cố định bằng formol 10%, xử lý theo phương pháp thông thường và thường được nhuộm Giemsa. Xem dưới kính hiển vi thấy các xoắn khuẩn H. pylori nằm trong các khe và trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày.
Nuôi cấy vi khuẩn. Mảnh sinh thiết được nghiền trong 0,5mL nước muối sinh lý trong vài giây, sau đó đem nuôi cấy trong môi trường đặc biệt (gồm thạch máu chọn lọc chứ kháng sinh Polymycin B, Vancomycin để ức chế một số vi khuẩn khác và các loài nấm hoại sinh, bổ sung huyết thanh B, để ở nhiệt độ 390C). Quan sát hàng ngày sẽ thấy mọc các khuẩn lạc tròn, sáng sau 3 ngày. Phương pháp này có độ đặc hiệu cao, đặc biệt cần thiết trong các trường hợp cần đến thử độ nhạy của kháng sinh trong tiệt trừ H. pylori.
Xét nghiệm miễn dịch sắc ký với bộ kit ASSURE® H.pylori Rapid Test.
Khi nào cần thực hiện
* Các trường hợp nội soi dạ dày có tổn thương viêm hoặc loét
* Các trường hợp cần làm xét nghiệm tìm H.pylori
* Theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Chống chỉ định
* Các trường hợp chống chỉ định nội soi dạ dày
* Các trường hợp bệnh nhân rối loạn đông máu, cầm máu (Tỷ lê Prothrombin dưới 50% và tiểu cầu dưới 50G/L)
2. Test thở tìm vi khuẩn HP
Xét nghiệm Urea qua hơi thở là một test đơn giản cho phép xử lý hơi thở của bệnh nhân để phát hiện nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP). Là xét nghiệm được xem như “tiêu chuẩn vàng” cho chẩn đoán nhiễm khuẩn HP trong phòng thí nghiệm.
Bệnh nhân được cho uống 1 lượng nhỏ ure C14. Enzyme urease của HP (nếu có) sẽ nhanh chóng phân hủy ure C14 thành ammoniac và dioxyt cacbon phóng xạ. Dioxyt cacbon có hoạt tính phóng xạ này sẽ nhanh chóng chuyển vào máu và đi tới phổi, chúng sẽ được phát hiện qua khí thở ra.
Chỉ định xét nghiệm khi nào
* Những người có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày như đầy hơi, đau lâm râm vùng thượng vị, thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân…. hoặc trong gia đình có người thân bị ung thư dạ dày
* Theo dõi và đánh giá kết quả sau điều trị diệt HP
* Chẩn đoán có bệnh dạ dày nhưng không thể hoặc không muốn làm nội soi dạ dày có thể test HP qua hơi thở để theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn HP, đặc biệt trẻ em và người không có chỉ định nội soi dạ dày.
3. Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP
Xét nghiệm phân được sử dụng để xác định xem có vi khuẩn Hp trong đường tiêu hóa hay không bằng cách tìm kháng nguyên của vi khuẩn Hp lẫn trong phân. Kháng nguyên là các phần tử kích thích hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm khuẩn.
Khi nào thì cần thiết
* Dấu hiệu của loét dạ dày tá tràng, như là khó tiêu, đau bụng, đầy hơi, mau no, nôn, buồn nôn, thường xuyên ợ hơi.
* Sau quá trình sử dụng phác đồ điều trị vi khuẩn Hp để đánh giá hiệu quả diệt Hp của phác đồ điều trị.
4. Xét nghiệm máu tìm vi khuẩn HP
Bằng cách tìm kháng thể chống lại HP trong máu cho phép xác định trong thời gian gần đây có bị nhiễm HP hay không. Vì kháng thể trong máu giảm rất chậm, do đó sau điều trị diệt hết HP, nồng độ kháng thể vẫn tiếp tục còn lại trong máu của người bệnh sau một thời gian dài, bởi vậy phương pháp này không thể xác định hiện tại bệnh nhân còn nhiễm hay đã hết nhiễm HP.
Tuy nhiên, đây không phải loại xét nghiệm được ưu tiên thực hiện, chỉ những cơ sở không có phương pháp xét nghiệm nào khác mới thực hiện xét nghiệm này. Lý do là vì vi khuẩn HP có thể tồn tại ở một số khu vực khác như khoang miệng, xoang, đường ruột nhưng hoàn toàn không gây bệnh. Lý do thứ hai là mặc dù vi khuẩn HP trong dạ dày đã bị tiệt trừ hết, tuy nhiên, kháng thể kháng HP vẫn có thể lưu hành trong máu trong thời gian một vài tháng tới một vài năm sau đó.
Bình luận
Viết bình luận