Khi buồng trứng có bệnh sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng sinh sản. Dưới đây là 2 chứng bệnh dễ gặp ở buồng trứng, mọi người cần biết để phòng ngừa.
Dấu hiệu phát hiện viêm buồng trứng sớm nhất
Viêm buồng trứng là hiện tượng buồng trứng bị viêm do các bộ phận lân cận khác bị viêm và lan sang buồng trứng. Đây được xem là bệnh phụ khoa nguy hiểm ở nữ giới, tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh thường bị nhầm lẫn so với viêm túi mật cấp tính, viêm ống dẫn trứng… nên rất khó nhận biết. Nguyên nhân hàng đầu gây viêm buồng trứng là do các can thiệp ở buồng tử cung (nạo hút thai…), nếu không được khử trùng nghiêm ngặt dễ lan sang và dẫn tới viêm buồng trứng. Các can thiệp: tạo hình ống dẫn trứng hoặc thông dịch ống dẫn trứng… cũng có thể gây viêm nhiễm buồng trứng.
Do lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, song cầu khuẩn lậu lan rộng lên bờ niêm mạc gây viêm buồng trứng cấp tính. Ống dẫn trứng hoặc vùng chậu cùng những cơ quan lân cận bị viêm nhiễm dẫn tới lây lan trực tiếp và tạo thành viêm buồng trứng cấp tính. Bệnh thường xảy ra ở mặt tiếp giáp giữa buồng trứng và ống dẫn trứng.
Buồng trứng đa nang dễ gây hiếm muộn.
Người bệnh mới sinh đẻ hoặc bị sẩy thai làm giảm sức đề kháng, viêm nhiễm âm đạo, tử cung lan tới ống dẫn trứng cũng là tác nhân gây viêm buồng trứng. Các viêm nhiễm trong ổ bụng (viêm phúc mạc) nếu không được xử lý kịp thời sẽ dễ viêm nhiễm lan sang buồng trứng.
Việc vệ sinh vùng kín chưa đúng cách cũng là nguyên nhân gây viêm buồng trứng. Hoặc do quan hệ tình dục trong khi kinh nguyệt, sau khi quan hệ xong không vệ sinh sạch sẽ vùng kín, có tần suất quan hệ tình dục nhiều… tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm.
Những dấu hiệu phát hiện viêm buồng trứng thường gặp là: đau bụng dưới, đau vùng xương hông, trướng bụng. “Vùng kín” ra nhiều khí hư, có trường hợp bị xuất huyết âm đạo. Kinh nguyệt không đều, ra nhiều hoặc vón cục. Người mệt mỏi, nóng sốt nhẹ, sưng phù hậu môn.
Viêm buồng trứng mạn tính không có biểu hiện gì rõ rệt nên chị em thường khó phát hiện bệnh, tuy nhiên lại gây ra những biến chứng cực kì nguy hiểm, đặc biệt là gây ra chứng hiếm muộn, vô sinh ở nữ giới. Chính vì vậy, việc sớm nắm rõ những dấu hiệu phát hiện viêm buồng trứng để có cách điều trị kịp thời là điều vô cùng cần thiết.
Dấu hiệu nhận biết buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang là bệnh thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng tới thiên chức làm mẹ của chị em phụ nữ, đó là gây hiếm muộn, vô sinh. Chính vì vậy, việc nắm rõ những dấu hiệu nhận biết buồng trứng đa nang sớm là cách tốt nhất để phòng tránh và điều trị căn bệnh này hiệu quả.
Kinh nguyệt không đều: Đây được xem là một trong những dấu hiệu nhận biết buồng trứng đa nang điển hình nhất ở phụ nữ. Bệnh gây rối loạn nội tiết tố khiến chu kì kinh nguyệt trở nên thất thường, điển hình như: lượng máu kinh nhiều hoặc ít đi, màu sắc của máu kinh nhạt chứ không đỏ sẫm như bình thường.
Hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài dẫn tới mất nhiều máu khiến cơ thể mệt mỏi. Một số trường hợp do lượng máu kinh ra quá ít hoặc có màu sắc bất thường, có khi mấy tháng mới có kinh nguyệt một lần, đặc biệt một số người bị mất kinh nguyệt.
Da mặt nổi nhiều mụn trứng cá, da nhờn: dấu hiệu này là do mất cân bằng nội tiết. Điều đó khiến cho hormon nam có tên là androgen tiết ra nhiều hơn làm cho tuyến bã nhờn hoạt động mạnh khiến cho lượng dầu dư thừa cùng tế bào chết làm tắc lỗ chân lông và mọc mụn trứng cá. Mụn có thể xuất hiện nhiều trên da mặt, cổ, ngực, vùng lưng và da mặt trở nên nhờn.
Béo phì, tích mỡ ở eo, hông và rậm lông: Người béo phì là người dễ mắc buồng trứng đa nang, nguyên nhân là do tăng nội tiết tố nam (androgen). Việc androgen tiết ra nhiều dẫn tới kích thích lông mọc rậm và dày. Tuyến lông phát triển mạnh ở trên da mặt, mép, cằm, ngực, bụng lưng hoặc ở chân tay…
Hói do tóc rụng nhiều: Nguyên nhân là do nội tiết tố androgen dư thừa ở nữ giới mắc hội chứng đa nang buồng trứng dẫn tới hiện tượng rụng tóc, hói đầu, da dầu, nhiều gàu… Khi bị buồng trứng đa nang khiến cho lượng hormon dihydrotestosteron - DHT (do testosteron chuyển hóa thành) tăng cao làm các nang tóc thiếu chất dinh dưỡng, tóc sẽ mỏng, yếu, dễ rụng và khó mọc lại. Đặc biệt, DHT còn gây ra tình trạng tiết nhiều bã nhờn khiến chân tóc yếu, bít lại và dễ rụng tóc. Khi nhận thấy những dấu hiệu của bệnh, chị em cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời, đảm bảo thiên chức làm mẹ bình thường.
Theo Suckhoedoisong
Bình luận
Viết bình luận