Theo các chuyên gia y tế, có không ít trường hợp trẻ mắc tay chân miệng tử vong do người lớn chủ quan điều trị tại nhà mà không chú ý đến các dấu hiệu bất thường, đến khi vào viện thì bệnh đã trở nặng không thể cứu chữa. Vậy dấu hiệu nào cảnh báo cần đưa con đến cơ sở y tế gấp, tránh tử vong?

Theo TS. Nguyễn Thị Anh Xuân – Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Cuba, hiện tại ở BV này tiếp nhận số bệnh nhân TCM tăng đột biến. Cách đây khoảng 3-4 tuần, trung bình 1 ngày chỉ có 3-4 ca khám bệnh, nhưng hiện tại trung bình có từ 8-10 ca đến khám/ ngày. Do quá đông bệnh nhân nên các ca bệnh ở thể nhẹ với các dấu hiệu như: trẻ sốt vẫn có kiểm soát được nhiệt độ, trẻ tỉnh táo, vẫn ăn uống được... thì được bác sĩ hướng dẫn theo dõi, điều trị tai nhà.

Tuy nhiên, TS. Anh Xuân cho biết, có những dấu hiệu cảnh báo bệnh TCM chuyển sang độ nặng, trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời như: Trẻ sốt cao liên tục, không kiểm soát được nhiệt độ, mệt mỏi li bì, giật mình cả khi thức lẫn khi trẻ ngủ, quấy khóc liên tục bất thường. Lúc này, cha mẹ không thể chần chừ, ngay lập tức đưa con đến cơ sở y tế điều trị gấp.

bac-si-chi-ro-dau-hieu-can-dua-tre-mac-tay-chan-mieng-di-vien-ngay-lap-tuc-1Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ. Ảnh minh hoạ. 

“Triệu chứng giật mình là một trong những triệu chứng sớm của nhiễm độc thần kinh. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, lúc ngủ. Phụ huynh cần quan sát tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. Nếu triệu chứng giật mình đi kèm với sốt cao liên tục, khó kiểm soát nhiệt độ, trẻ quấy khóc nhiều, các mẹ cần đưa bé đến ngay bệnh viện để tránh biến chứng viêm não, màng não”- chuyên gia Nhi khoa khuyến cáo.

Phân biệt tay chân miệng với các bệnh khác

Trẻ mắc bệnh TCM có những dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh thủy đậu, do đó phụ huynh cần hết sức lưu ý. TS. Xuân cho biết, nhiều virus có thể gây các nốt ban đỏ trên da và loét trong miệng. Tuy nhiên có thể phân biệt virus TCM với các virus khác bằng độ tuổi của trẻ (bệnh TCM hay gặp nhất ở nhóm trẻ từ 2-6 tuổi).

Mô hình triệu chứng: Các triệu chứng TCM bắt đầu bằng sốt cao và đau miệng, sau đó các vết loét phát triển trong miệng của trẻ, tiếp theo là các nốt phát ban ở bàn tay và bàn chân.

Đặc điểm các nốt ban ở TCM thường nhỏ hơn nốt thủy đậu, thường có màu sắc, kích thước và hình dạng khác biệt. Các nốt ban có kích thước từ 2-5mm, ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.

“Một bệnh lý có triệu chứng gần giống với bênh TCM là viêm miệng do virus herpes. Tuy nhiên bệnh lý này chỉ có loét miệng kèm sưng các nướu lợi, không có phát ban trên da”- TS. Xuân cho biết thêm. 

    Theo các bác sĩ, trẻ đã từng mắc TCM vẫn có thể mắc lại bệnh này do bệnh TCM gây ra bởi một số tuýp Entero khác nhau. Các tuýp hay gặp nhất là coxsackievirus A16, A6, A10 và Enterovirus 71, vì thế một trẻ có thể nhiễm bệnh TCM nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra 1 kháng thể với 1 loại virus nhất định. Vì vậy có trẻ một năm có thể mắc hơn 1 lần bệnh TCM.

    Một điểm nữa cần chú ý là các gia đình có con mắc bệnh TCM thường kiêng khem quá mức cho bé. Đây là một sai lầm cần tránh. Phụ huynh cần tắm rửa cho trẻ hàng ngày, vệ sinh răng miệng, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước.

    bac-si-chi-ro-dau-hieu-can-dua-tre-mac-tay-chan-mieng-di-vien-ngay-lap-tuc-2Trẻ mắc TCM thể nặng trong phòng cấp cứu khoa Nhiễm - Thần Kinh BV Nhi Đồng. 

    Chú ý phòng bệnh ở trường học, nơi ở

    Hiện nay đang là mùa tựu trường, là điều kiện lý tưởng khiến bệnh lây lan vì trường học là một nơi tập trung đông trẻ. Vì vậy để phòng tránh lây nhiễm bệnh TCM trong các trường học, cha mẹ cần lưu ý làm tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, theo dõi, phát hiện sớm để kịp thời điều trị, cách ly, tránh lây nhiễm cho các trẻ khác.

    Về phía nhà trường, cần thường xuyên giữ vệ sinh lớp học, lau sạch vật dụng, bề mặt tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, sàn nhà bằng xà phòng hoặc bằng các chất tẩy rửa thông thường.

    TCM là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, bệnh lây từ người sang người theo nhiều con đường. Đó là các con đường như qua những giọt dịch tiết từ đường hô hấp, qua các bề mặt nhiễm bẩn hoặc chất thải. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể lây tiếp xúc trực tiếp từ những mụn nước và nước bọt của người bệnh. Virus gây bệnh TCM sẽ không lây lan theo cách này khi người bệnh đã hết triệu chứng. Tuy nhiên virus có thể tồn tại trong phân của người bị nhiễm tới 4 tuần sau khi đã hết triệu chứng.

    Hiện nay, bệnh TCM chưa có vắcxin phòng bệnh đặc hiệu. Người dân có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh thường xuyên và can thiệp y tế kịp thời khi các bệnh nhi có triệu chứng nghiêm trọng.

    Các biện pháp phòng bệnh được bác sĩ khuyến cáo như sau:

    1. Vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyền bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt là sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

    2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo dinh dưỡng, ăn chín uống chín, sử dụng nước sạch, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm-mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn hoặc vật dụng ăn uống.

    3. Làm sạch đồ chơi nơi sinh hoạt công cộng (lớp học). Các nhà trẻ mẫu giáo, nơi trông trẻ cần thường xuyên lau sạch bề mặt vật dụng như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, cầu thang, bàn ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

    4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, phân và chất thải của trẻ phải được thu gom và xử lý tốt.

    5. Theo dõi, phát hiện sớm: Các trẻ em thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện. Tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây nhiễm cho các trẻ khác.

    6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi trẻ khởi bệnh. Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị, hướng dẫn theo dõi kịp thời.


    Các bài viết khác

    Bình luận

    Viết bình luận

    Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên