1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh tiểu đường thai kỳ?
Hầu hết phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ đều có thể kiểm soát đường huyết của mình chỉ bằng cách đơn giản là thay đổi chế độ ăn uống kết hợp với việc tập luyện thể chất. Việc tuân thủ đúng kế hoạch ăn uống có thể giúp bạn kiểm soát tiểu đường thai kỳ, nuôi dưỡng thai nhi đang phát triển và giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh.
Đối với một số phụ nữ, chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất vẫn không đủ để kiểm soát đường huyết. Nếu đường huyết vẫn ở mức cao, bạn có thể phải dùng insulin theo chỉ định của bác sĩ.
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý thường xuyên xuất hiện với bà bầu trong thời gian mang thai.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh tiểu đường thai kỳ.
Bạn cần đáp ứng các nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng (bao gồm chất tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ) phù hợp với bệnh tiểu đường thai kỳ như sau:Theo tài liệu Hướng dẫn Y khoa cho Thai kỳ đã được Viện Hàn Lâm Khoa học Quốc gia thì:
Chất đạm: 12 – 20% tổng năng lượng ăn vào
Chất bột đường: 50 – 55% tổng năng lượng ăn vào
Chất béo: 25 – < 30% tổng năng lượng ăn vào.
Chất xơ: 20 – 35g/ngày.
Nhóm tinh bột
Tinh bột là nguồn năng lượng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Hầu hết tinh bột đều thủy phân thành đường (glucose). Bạn cần ăn tinh bột để có sức khỏe tốt và giúp thai nhi khỏe mạnh. Tuy nhiên, ăn nhiều tinh bột quá mức sẽ làm tăng đường huyết.
Bạn nên ăn vừa đủ các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và ít làm tăng đường huyết, như:
Gạo lứt còn vỏ cám.
Bún tươi.
Gạo tấm.
Các loại đậu nguyên hạt.
Ngũ cốc nguyên cám.
Bánh mì nâu…
Bạn nên hạn chế các thực phẩm làm tăng đường huyết như:
Gạo trắng, bánh mì trắng, khoai tây…
Tránh dùng các loại nước giải khát, nước trái cây, nước có đường…
Hạn chế các món tráng miệng như kem, bánh nướng, bánh ngọt, bánh quy…
Nhóm chất đạm
Các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật ít béo, giàu sắt và canxi như thịt nạc, cá nạc, tôm, cá nhỏ cả xương, cua…
Đậu tương và các sản phẩm chế biến từ đậu tương (đậu phụ, đậu nành...).
Nhóm chất béo
Hãy thận trọng với chất béo, đặc biệt là khi bạn đang tăng cân quá mức.
Nên sử dụng thịt nạc giàu đạm như thịt gia cầm, thịt bò, thịt heo và cá. Hạn chế thịt hộp, thịt xông khói, xúc xích, mỡ động vật, da, nội tạng, bơ, kem phô mai,…
Nên ăn các loại hạt có dầu, sử dụng dầu thực vật để nấu ăn.
Nhóm rau củ
Nên ăn ít nhất 500 – 600g rau xanh mỗi ngày. Nên ăn rau trước các bữa ăn chính để hạn chế tình trạng tăng đường huyết sau khi ăn, vì rau là nguồn cung cấp chất xơ và giúp ngăn ngừa hấp thu chất tinh bột ăn sau đó.
Nhóm trái cây
Nên chọn loại trái cây ít ngọt và có chỉ số đường huyết thấp: khoảng 200g/ngày (như dưa gang, bơ, dâu, thanh long, bưởi, cam ta, quýt ta, lê, táo, sơ ri, kiwi xanh, nho ta,…).
Trái cây được dùng như món tráng miệng sau bữa ăn, trung bình một suất trái cây cho mỗi bữa ăn là từ 50-100g tùy theo loại trái cây ngọt nhiều hay ngọt ít, mỗi ngày có thể ăn 2 – 3 suất. Nên ăn cả xác (chất xơ) của trái cây để tận dụng nguồn chất xơ, tránh chỉ ép lấy nước uống.
Nhóm sữa
Đây là nguồn cung cấp năng lượng, chất đạm, canxi và một số vi chất khác.
Nên sử dụng sữa tách béo/ít béo, không đường và giàu canxi, sữa đậu nành không đường, sữa chua không đường, …
Nếu phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ ăn uống kém, suy dinh dưỡng hoặc ít lên cân, có thể cân nhắc việc bổ sung dinh dưỡng bằng sữa chuyên biệt có chỉ số đường huyết thấp dành cho bệnh nhân tiểu đường (theo chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng).
Ngoài việc xét nghiệm tiểu đường để kiểm soát bệnh thì chế độ ăn uống hợp lý là vô cùng quan trọng đối với các bà bầu trong thời kỳ mang thai.
3. Gợi ý những món ăn cho người bệnh tiểu đường thai kỳ.
Tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng không hề nhỏ tới sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ và cả sau khi chào đời. Chính vì vậy, với những sản phụ mắc phải tình trạng này cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của các bác sĩ chuyên khoa.
Cùng với đó, cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để vừa có thể kiểm soát đường huyết thai kỳ, vừa cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho thai nhi phát triển.
3.1 Những thực phẩm thai phụ nên ăn khi mắc tiểu đường thai kỳ
- Thịt nạc, cá, đậu hũ, sữa chua, các loại sữa không béo và không đường.
- Các loại thực phẩm ít gây tăng đường máu như: đậu đỗ, gạo lứt, các loại trái cây ít ngọt, củ quả, rau xanh.
- Ăn nhiều bữa trong ngày để đảm bảo không làm tăng đường máu lên quá cao, sau khi ăn và cũng không để đường máu hạ quá thấp lúc xa bữa ăn.
3.2 Những thực phẩm thai phụ nên giảm bớt
- Các loại thực phẩm gây tăng đường huyết như: bánh kẹo, kem, chè, các loại trái cây ngọt,...
- Khi bị tiểu đường thai kỳ cần giảm ăn mặn và các loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp như: thịt nguội, đồ hộp, vì gói, cháo,...
- Các loại thực phẩm có nhiều chất béo gây tăng mỡ máu như: lòng đỏ trứng, thức ăn chiên xào, nội tạng (tim, gan, thận),...
- Thai phụ cũng cần giảm uống nước ngọt, nước ép trái cây ngọt, chè đặc, rượu bia, cà phê,...
4. Phương pháp lập kế hoạch bữa ăn cho người tiểu đường thai kỳ
Phân bố bữa ăn trong ngày của thai phụ bị tiểu đường
Chia nhỏ bữa ăn đóng một vai trò rất quan trọng trong điều hòa glucose huyết tương để tránh tăng glucose huyết tương nhiều sau ăn, nên ăn 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ.
Một bữa ăn nhẹ buổi tối giúp ngăn chặn tình trạng ceton máu.
Nếu ăn 6 bữa, số lượng mỗi bữa ăn như sau:
- Bữa sáng: 20%.
- Bữa phụ buổi sáng: 10%.
- Bữa trưa: 30%.
- Bữa phụ buổi chiều: 10%.
- Bữa tối: 20%.
- Bữa phụ vào buổi tối: 10%.
Nếu ăn 5 bữa, số lượng mỗi bữa ăn như sau:
- Bữa sáng: 25%.
- Bữa phụ buổi sáng: 10%.
- Bữa trưa: 30%.
- Bữa tối: 25%.
- Bữa phụ vào buổi tối: 10%.
Ví dụ cho thực đơn 2200 kcal (Chất đạm: 20%, Chất béo: 29%, Chất tinh bột: 51%).
Thực đơn bữa ăn trong ngày của thai phụ bị tiểu đường.
5. Một số lưu ý trong chế độ ăn của người bị tiểu đường thai kỳ
Tuân theo một chế độ ăn uống cân bằng trong suốt thai kỳ không chỉ có lợi cho thai kỳ và thai nhi mà còn có thể giúp ích cho người mẹ trong giai đoạn sau sinh.
Bên cạnh chế độ ăn uống, bệnh đái tháo đường thai kỳ cũng được quản lý thông qua hoạt động thể chất phù hợp.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tập thể dục khi mang thai có thể làm giảm lượng đường trong bệnh đái tháo đường thai kỳ. Đi bộ thường là một hình thức hoạt động thể chất an toàn cho người mang thai.
Mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ cần đi khám thai đúng lịch hẹn. Nếu bạn được bác sĩ kê đơn thuốc để điều trị bệnh đái tháo đường thai kỳ, hãy nhớ dùng thuốc theo đúng chỉ định và báo cáo bất kỳ tác dụng phụ nào, chẳng hạn như lượng đường trong máu thấp hoặc bạn cảm thấy mệt mỏi thường xuyên.
Theo Suckhoedoisong - BS Trần Thị Thùy Vân
Bình luận
Viết bình luận