Các thuốc kháng sinh dùng để tra, nhỏ mắt được dùng trị các bệnh nhiễm khuẩn ở mắt như viêm mi mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc...

Dưới đây là một số thuốc thường dùng và những lưu ý cần thiết đối với người bệnh khi dùng các thuốc này.

Dung dịch - thuốc mỡ gentamycin 0,3%

Gentamycin được bào chế dùng trị các bệnh ở mắt có hai dạng là dung dịch (dùng để nhỏ mắt) và dạng thuốc mỡ (dùng để tra mắt) với nồng độ 0,3%. Đây là thuốc khá phổ biến trong các nhà thuốc. Gentamicin được dùng đơn độc hoặc phối hợp với corticoid để điều trị nhiễm khuẩn mắt, viêm tại mắt như: Viêm kết giác mạc, loét giác mạc, viêm mí mắt, viêm túi lệ, lẹo mắt...

Đối với dạng dung dịch, nhỏ mắt 1-2 giọt/lần x 3-8 lần/ngày x 5-12 ngày (tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định thời gian dùng thích hợp). Đối với dạng thuốc mỡ, tra vào mắt bệnh 1,5cm thuốc, 2-3lần/ngày. Tuy nhiên khi dùng thuốc này cần thận trọng, nếu dùng kéo dài có thể dẫn đến quá mẫn ở da và xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc kể cả nấm. Cần ngừng thuốc nếu có hiện tượng chảy mủ, viêm hoặc đau tăng lên. Không dùng thuốc cho những người bệnh quá mẫn với nhóm kháng sinh aminoglycosid. Khi nhỏ thuốc có thể gây xót nhẹ ở mắt, ngứa, kích thích... Ngưng thuốc khi có biểu hiện dị ứng. Không sử dụng với các bệnh mắt do virut hoặc nấm. Thuốc nhỏ mắt gentamicin có thể gây nhìn mờ, hạn chế lái xe hoặc thực hiện công việc nguy hiểm.

luu-y-khi-dung-thuoc-khang-sinh-tra-nho-mat-1

Chỉ nên sử dụng thuốc trong vòng 15 ngày sau khi mở nắp.

Thuốc mỡ tetracyclin 1%

Thuốc được dùng tra mắt để điều trị các nhiễm khuẩn mắt do các vi khuẩn nhạy cảm với tetracycline, chữa viêm kết mạc, đau mắt hột. Tra một lượng nhỏ thuốc mỡ vào mắt bị bệnh, ngày tra 2-3 lần. Không dùng thuốc cho người mẫn cảm với nhóm kháng sinh tetracyclin. Dùng thuốc kéo dài  có thể dẫn đến tăng phát triển các vi sinh không nhạy cảm, dẫn đến kháng thuốc.

Thuốc tra, nhỏ mắt neomycin

Thuốc này có hai dạng: Dung dịch nhỏ mắt 0,25%; 0,5% và mỡ tra mắt 0,35%; 0,5%. Thuốc thường được dùng phối hợp với các kháng sinh khác để điều trị viêm kết mạc, viêm bờ mi, viêm loét giác mạc do vi khuẩn. Tuy nhiên không dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi và người mẫn cảm với thuốc. Tránh dùng dài ngày vì dễ gây mẫn cảm. Người bệnh có thể gặp các hiện tượng rát ở vùng mắt, chảy nước mắt, đỏ kết mạc và nhìn không rõ (thoáng qua).

Thuốc tra, nhỏ chloramphenicol


    Cloramphenicol là kháng sinh phổ rộng có tác dụng với nhiều vi khuẩn gram âm và gram dương, dùng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn bề mặt nhãn cầu như viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm giác mạc. Không dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi (trừ khi được bác sĩ kê đơn), trường hợp suy tủy hoặc quá mẫn với thuốc. Khi dùng, khoảng 3-6 giờ tra 1 lần, sau 48 giờ có thể giảm liều tùy theo hiệu quả điều trị. Thuốc hiếm khi gây kích thích tại mắt. Khi tra thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ vào mắt, mắt có thể bị mờ, tuy nhiên hiện tượng này sẽ nhanh chóng biến mất.

    Dung dịch nhỏ mắt bạc nitrat 1%

    Để dự phòng viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh do Neisseria gonorrhoea hoặc Chlamydia trachomatis người ta dùng dung dịch bạc nitrat 1%  khi không có sẵn tetracyclin. Sau khi lau sạch mắt bằng gạc tiệt khuẩn, nhỏ vào mắt của trẻ khi mới đẻ 2 giọt vào từng mắt. Tránh dùng các dung dịch cũ, để lâu, đậm đặc. Cần lau sạch nếu thuốc rớt ở da, gần mắt để tránh nhuộm màu. Thuốc có thể gây kích thích da và niêm mạc, viêm kết mạc nhẹ, dùng lặp lại nhiều có thể gây biến màu da, đốt giác mạc, thậm chí gây mù...

    Thuốc tra, nhỏ mắt tobramycin

    Thuốc dùng để điều trị nhiễm trùng bên ngoài của mắt do vi khuẩn gây nên. Không dùng trong các trường hợp nhiễm viruT hoặc nấm mắt, trẻ em dưới 12 tháng tuổi.

    Liều dùng thông thường cho người lớn và trẻ em trên 1 tuổi là 1 hoặc 2 giọt cho do mắt bị viêm nhẹ, cách 4 giờ nên nhỏ một lần. Đối với mắt bị nhiễm trùng nặng, nên nhỏ vào mắt 2 giọt mỗi giờ.

    Đối với dạng thuốc mỡ mắt, với người lớn và trẻ em trên 1 tuổi nên sử dụng 2 - 3 lần/ngày, mỗi lần nên lấy một lượng khoảng 1,25cm. Khi mắt bị nhiễm trùng nặng, sau 3-4 giờ hãy tra một lượng thuốc nhỏ mắt như trên vào túi kết mạc để điều trị.

    Trong một số trường hợp sử dụng thuốc sẽ gây ra một số tác dụng phụ như: Mắt bị ngứa, đỏ mắt; bỏng nhẹ hoặc bị châm chích; mí mắt ngứa, sưng nề; mắt có dấu hiệu bị mờ. Khi tiếp xúc với ánh sáng mắt có thể bị nhạy cảm hơn.

    Một vài lưu ý

    Thuốc điều trị các bệnh ở mắt thường dùng dưới dạng dung dịch nhỏ mắt và mỡ tra mắt. Khi phải sử dụng hai loại thuốc trở nên, khoảng cách dùng giữa hai thuốc ít phất là 10-15 phút. Thuốc mỡ sẽ dùng sau cùng.

    Cần rửa tay sạch sẽ trước khi tiến hành tra, nhỏ mắt. Trong khi sử dụng, không để chạm đầu lọ hoặc đầu typ vào mắt hoặc các vùng khác để tránh nhiễm khuẩn vào đầu lọ, typ thuốc. Một số thuốc khi tra có thể gây nhìn mờ trong một thời gian ngắn. Những trường hợp này cần chờ cho mắt sáng trở lại trước khi làm những công việc đồi hỏi sự nhìn rõ như lái xe, hoặc vận hành máy móc.

    Không sử dụng thuốc đã hết hạn. Đối với dung dịch thấy có tủa hoặc biến màu không được sử dụng. Lọ thuốc đã được mở chỉ nên sử dụng trong vòng 15 ngày.

    Nguồn: DS. Hoàng Thu Thủy - Suckhoedoisong

    Các bài viết khác

    Bình luận

    Viết bình luận

    Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên