PGS.TS. Tạ Văn Bình-Nguyên Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa (Đại học Y Hà Nội), Chủ tịch Hội người giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam cho hay; trên thế giới có 415 triệu người trưởng thành bị đái tháo đường, ở nước ta hiện có khoảng 3,53 triệu người mắc bệnh nhưng có tới 69,9% không biết mình bị bệnh và đã có trẻ mới 9 tuổi đã mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Thông tin trên được công bố tại tại buổi lễ hưởng ứng tuần lễ chung tay phòng chống bệnh nội tiết - đái tháo đường, diễn ra chiều 26/6, tại Hà Nội.

Chia sẻ tại buổi lễ, PGS Bình cho hay, trong công tác điều trị bệnh đái tháo đường cho thấy, đáng lo ngại tình trạng người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 đang ngày càng trẻ hoá. Mức trung bình tuổi của người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 trên thế giới là 40 tuổi. Hiện nay, tại Việt Nam, đã có trẻ mới 9 tuổi đã mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.  Cách đây 30 năm, để tìm ra một bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 ở độ tuổi 40 tuổi rất khó. Đến giờ những bệnh nhân này rất nhiều. Người trẻ nhất lại là bệnh nhân 9 tuổi ở Việt Nam. Đó là bệnh nhi ở Hà Nội, nặng tới gần 100kg. Qua quá trình khám và làm các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, PGS Bình cho biết thêm.

699-nguoi-benh-dai-thao-duong-khong-biet-minh-mac-benh-1

PGS.TS. Tạ Văn Bình phát biểu tại buổi lễ.

Đái tháo đường hiện nay có thể coi là một loại bệnh dịch toàn cầu với 415 triệu người trưởng thành bị bệnh trên toàn thế giới mắc bệnh đái tháo đường, chiếm (8,8% dân số thế giới).Ở nước ta theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này dự báo tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045. Mặc dù, cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh này nhưng có tới 70% người mắc không biết mình bị bệnh. Có 20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Bệnh đái tháo đường đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

    Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế cả nước mới có chỉ có 29% người bệnh bị đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71%.

    PGS Bình cho rằng, tất cả những nhận định, đánh giá đều khác xa so với thực tế, vì phát triển của bệnh này quá nhanh. Đây là bệnh phát triển nhanh nhất trên thế giới, không có sự phân biệt về màu da, sắc tộc cũng như không có sự phân biệt về đẳng cấp, là bệnh đến với mọi người mọi nhà đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Nó khác xa so với tư tưởng trước đây cho rằng bệnh Đái tháo đường là bệnh của nhà giàu, thực ra bệnh Đái tháo đường càng nghèo bao nhiêu thì bệnh càng nặng bấy nhiêu.

    Đái tháo đường thực sự là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kiểm soát, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

    Được biết, Chương trình “Tuần lễ Quốc tế phòng chống bệnh Nội tiết-Đái tháo đường” dự kiến diễn ra từ ngày 19-25/8, trong đó trong 2 ngày 24/8-25/8/2019 sẽ diễn ra các hoạt động chính gồm: Triển lãm gian hàng; Hội thảo khoa học... Trong 2 ngày chính của chương trình Ban tổ chức dự kiến sẽ tư vấn chăm sóc sức khỏe cho khoảng 5.000 người bệnh đái tháo đường tham gia.

    Chương trình không chỉ là kết nối các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực đái tháo đường ở Việt Nam bàn về giải pháp phòng ngừa, kiểm soát, hướng dẫn chăm sóc cho người bệnh đái tháo đường mà còn giúp người mắc bệnh cập nhật kiến thức mới nhất về bệnh đái tháo đường.

    Lê Mai

    Các bài viết khác

    Bình luận

    Viết bình luận

    Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên